Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thông tin trên tại Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được tổ chức sáng 14/7.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành có một số ít Luật quy định cụ thể về một ngành công nghiệp như Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản… Khác với các đạo luật trên, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay: “Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành…, sẽ là giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng – đặc biệt là các ngành công nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao”..
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu đề dẫn Tọa đàm |
Trước đó, năm 2021, Bộ Công Thương đã đề xuất tới Chính phủ và Quốc hội đề xuất dự án xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Dự án này cũng được công bố để lấy ý kiến trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trải qua hơn 2 năm, dự án Luật gặp nhiều khó khăn do vấp phải luồng ý kiến từ nhiều giới cho rằng, có sự trùng chéo, trùng lặp với các Luật khác hiện hành, đặc biệt là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hóa chất, Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao...
Mặc dù vậy, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều tán đồng, Việt Nam cần thiết có một luật riêng về phát triển công nghiệp. Đặc biệt, dự án luật sẽ phù hợp với mục tiêu tiến tới công nghiệp hoá của đất nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/ 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều nhấn mạnh sự ưu tiên, chú trọng các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, lấy đó làm then chốt để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm |
Ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết khuyến khích, kích thích phát triển ngành công nghiệp. Tuy nhiên, tiếp thu và ghi nhận các ý kiến phản ánh, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và thu hẹp phạm vi của Luật và phải làm kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả điều chỉnh không cao
Theo dự thảo của Luật cũ (Luật Phát triển công nghiệp), luật là chỉ điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm: Công nghiệp hỗ trợ; Công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); Công nghiệp cơ khí; Công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Luật sẽ quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam.
Cụ thể là luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử-viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn)".
Ngoài ra, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp sản xuất rô-bốt, ô-tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...
Văn Quý