Tỉnh Lai Châu có địa hình núi cao trên 1.000 m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, thảo quả... Trong đó, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển loài cây dược liệu này nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.
Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, giá trị kinh tế trên thị trường của sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60 - 70 triệu đồng/kg. Đây là cơ sở để phát triển cây sâm Lai Châu hướng đến chế biến thành hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Tỉnh Lai Châu đã có nhiều chương trình, giải pháp để đẩy mạnh, phát triển trồng sâm tại các địa phương. Gần đây nhất là Hội chợ Sâm Lai Châu 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 10/10 – 20/10/2022 với chủ đề “Khát vọng vươn lên”.
Mục đích của sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến phát triển sâm Lai Châu.
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây sâm và các sản phẩm từ sâm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công bố, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và giá trị của cây sâm Lai Châu. Công bố bản đồ quy hoạch, phát triển vùng trồng sâm Lai Châu…
Để công tác chuẩn bị cho Hội chợ diễn ra thành công, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan đưa vào nhiệm vụ trọng tâm, đề ra nhiều giải pháp như:
Công tác phối hợp chuẩn bị sự kiện; xây dựng sơ đồ tổ chức Hội chợ; đảm bảo an ninh trật tự trước, trong suốt quá trình diễn ra sự kiện; chuẩn bị cho các không gian văn hóa, khu ẩm thực; phối hợp cung cấp thông tin xây dựng nội dung tuyên truyền; chuẩn bị các điều kiện cho khách nước ngoài tham dự sự kiện…
Ngoài chương trình khai mạc, bế mạc, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu; Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu; các sự kiện bên lề; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tổ chức Giải chạy Marathon Sâm Lai Châu. Đây là một sự kiện lớn, có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương.
Sáng 15/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải, Trưởng Ban Tổ chức đã chủ trì cuộc họp bàn thảo về các nội dung chuẩn bị cho Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022.
“Đây là sự kiện rất quan trọng nên việc theo dõi phân công từng nội dung phải giao cho từng đơn vị chuyên trách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc sự kiện”, ông Hà Trọng Hải nhấn mạnh.
Đại diện UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại diện tích mặt bằng nơi tổ chức sự kiện, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí các hoạt động, phương án phòng chống cháy nổ, khu ẩm thực, bãi trông giữ xe, bố trí các hoạt động bên lề...
Đối với các sản phẩm trưng bày, cơ quan chuyên môn phải thẩm tra, thẩm định để đảm bảo cả về hình thức, chất lượng. Các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện tốt việc tái hiện không gian văn hóa, phải lột tả được nét đặc trưng nơi cộng đồng dân cư đang sinh sống.
Hiệp hội Sâm Lai Châu kết nối với Hiệp hội Sâm các tỉnh để có những gian hàng trưng bày phong phú; quan tâm thực hiện xã hội hóa; kết nối với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc để công bố chỉ số sâm Lai Châu…
Theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác. Mục đích nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án trồng sâm trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả để phát triển dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Ngoài bỏ vốn, bỏ giống, bỏ công sức thì các doanh nghiệp phải coi trọng yếu tố khoa học, công nghệ; chú trọng xây dựng vườn bảo tồn, vườn giống gốc và cơ sở sản xuất giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu để quảng bá, nâng cao giá trị cho các sản phẩm của sâm Lai Châu.
Quỳnh Nga