Cơ quan chuyên môn dự báo TP.HCM có 26 điểm ngập nước, trong đó có 19 điểm mưa lớn là ngập và 7 điểm do triều cường.
Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng) cho biết đã cập nhật dự báo một số tuyến ngập nước và xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra các tình huống ngập.
Theo đó, qua theo dõi tình hình mưa và ngập nước các năm 2022 và 2023, Trung tâm này dự báo sẽ có 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính tại địa bàn thành phố.
Trong đó có 19 điểm ngập do mưa, gồm 5 điểm ngập sau mưa kéo dài trên 30 phút, bao gồm: đường Nguyễn Văn Khối, Song hành Quốc lộ 22, Bà Triệu, Võ Văn Kiệt, Hồ Ngọc Lãm.
Có 14 điểm ngập tức thời trong mưa và ngập sau mưa không quá 30 phút, gồm: đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Phan Văn Hớn, Song hành Quốc lộ 22, Nguyễn Văn Quá, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Trường Sơn, Phan Anh, An Dương Vương, Quốc lộ 50.
Ngoài ra, Trung tâm cũng dự báo khi đỉnh triều đạt mức cao nhất trên 1,74m sẽ có 7 điểm ngập, gồm: đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc Lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình.
Nhằm đảm bảo thoát nước cho mùa mưa năm nay, Trung tâm tổ chức sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả. Đồng thời, đơn vị cho kiểm tra vận hành các van ngăn triều, trạm bơm cố định đã được lắp đặt tại các cửa xả.
Khi xảy ra ngập hoặc nhận thấy diễn biến thời tiết có nguy cơ cao gây ngập, đơn vị sẽ triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó nhằm mục tiêu làm giảm nhẹ tối đa mức độ ngập như độ sâu, phạm vi và thời gian ngập.
Đối với ngập do triều cường, Trung tâm sẽ vận hành các Trạm kiểm soát triều, van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành các trạm bơm cố định để thoát nước sinh hoạt; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập; phối hợp với Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) thực hiện nâng cục bộ mặt đường.
Những ngày qua, trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện những trận mưa đầu mùa. Mặc dù mưa chưa quá lớn nhưng đã làm một số tuyến đường, khu vực bị ngập gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, sinh hoạt của người dân.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, từ giữa tháng 5 này, TP.HCM mới chính thức bước vào mùa mưa.