Vẫn còn phát triển đúng với tiềm năng

Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Hà Nội đã đã có bước phát triển cả về lượng và chất, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp.

{keywords}
Dư địa lớn phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố hiện vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng; sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh chưa cao so với các sản phẩm cùng loại của các nước vì vậy khó tìm được thị trường xuất khẩu; trình độ công nghệ và năng suất lao động tuy đã có cải thiện nhưng vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tuy đã có tiến bộ nhưng chưa đạt được yêu cầu phát triển; đội ngũ lao động quản lý và lao động kỹ thuật trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế trong quản lý sản xuất dẫn đến hiệu quả trong sản xuất kinh doanh chưa cao.

Hiện nay, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp CNHT thành phố mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Riêng ngành ô-tô, xe máy là ngành có điều kiện phát triển CNHT tốt nhất do thị trường lớn, nhưng tỷ trọng doanh thu chỉ chiếm 26% ngành CNHT. Ngành điện tử, tin học còn thấp hơn, chỉ chiếm 10%. Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ và Đô thị dịch vụ Nam Hà Nội (HANSSIP) cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng giai đoạn I (77 ha) từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Một phần lý do chính sách hiện hành cho phát triển CNHT mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... mà thiếu đi sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong các mục tiêu phát triển.

Đến hết năm 2020, Hà Nội dự kiến có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT. Trong đó có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng hơn 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp hai năm 2019-2020 đạt từ 9,78 đến 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6 đến 9%.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho CNHT

{keywords}
Dư địa lớn phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

Trong thời gian tới, chính sách ngành công nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghệ cao (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, khu công nghệ cao Hòa Lạc…). Ưu tiên nguồn lực, tăng cường kêu gọi và huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo, không gian làm việc chung, trung tâm hỗ trợ kĩ thuật trong các khu/cụm công nghiệp, công nghệ cao. 

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh. Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh.
Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển căn cứ lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Trước mắt, xác định ưu tiên các ngành có sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố như: Công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện - điện tử, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất và sử dụng vật liệu mới…; định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động để có điều chỉnh phù hợp.
Đa dạng hoá thị trường nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ phát triển công nghiệp, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quản trị cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp.
Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên 03 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Phát triển các doanh nghiệp CNHT đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ "cao, mới, sạch, tiết kiệm", sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ.

Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật nhằm tạo ra nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới; có cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, phân bổ hợp lý lao động theo vùng Thủ đô.

Tiếp tục đầu tư phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp.

Thu Uyên