TS Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo đại học của Trường ĐH Luật Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 ở một số ngành, tổ hợp.
Bởi chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2023 tăng so với năm 2022 (năm 2023 chỉ tiêu là 2.500, tăng 135 chỉ tiêu; số chỉ tiêu tăng dành cho chỉ tiêu của ngành Luật kinh tế tại trụ sở chính và ngành Luật tại Phân hiệu của Trường tại Đắk Lắk).
Bên cạnh đó, trường thực hiện phương thức xét tuyển sớm và công bố điểm xét tuyển sớm (từ ngày 25/5) với điểm của tất cả các tổ hợp rất cao.
“Điểm xét tuyển của các tổ hợp vào các ngành của Trường ĐH Luật Hà Nội tại trụ sở chính từ 27,61 đến 30 điểm. Tuy nhiên, các thí sinh trúng tuyển sớm vào trường với điểm xét tuyển này cũng đã được xét tuyển sớm vào nhiều ngành của nhiều trường đại học, học viện khác trên cả nước.
Vì vậy, khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các em có nhiều sự lựa chọn đăng ký xét tuyển khác nhau và chọn vào Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ là một trong nhiều sự lựa chọn. Do đó, thực tế, tỷ lệ thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm có đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào trường sẽ không cao.
Theo Đề án tuyển sinh của trường, khi các phương thức xét tuyển sớm không dùng hết chỉ tiêu, sẽ điều chuyển số chỉ tiêu này sang xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023, nên điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT mặt bằng chung cũng sẽ giảm”, ông Dương dự đoán.
Theo ông Dương, ngành Luật kinh tế là ngành hot của trường, vì vậy điểm chuẩn của các tổ hợp xét tuyển vào ngành này thường cao nhất. Tuy nhiên năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Luật kinh tế tăng từ 350 lên 450, nên điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của các tổ hợp vào ngành này có thể cũng sẽ giảm so với năm ngoái.
Ông Dương cho biết thêm, riêng một số tổ hợp xét tuyển vào các ngành có môn Ngoại ngữ như A01; D01; D02; D03; D05; D06 điểm chuẩn có thể tăng nhẹ. “Bởi trong thời gian vừa qua, nhiều thí sinh tham gia thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và được Trường quy đổi để xét tuyển với các mức quy đổi cao (IELTS các mức 5.5; 6.0; 6.5 lần lượt được quy đổi thành 9 điểm; 9,5 điểm; 10 điểm và các ngoại ngữ khác được tính tương đương)”, ông Dương nói.
Với các thí sinh có tổng điểm các tổ hợp xét tuyển khoảng từ 20-21 điểm, theo ông Dương, có thể có cơ hội theo học Trường ĐH Luật Hà Nội nếu đăng ký ngành Luật của trường tại Phân hiệu ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Về học phí với sinh viên chính quy, đối với sinh viên học các chương trình đại trà, năm học 2023-2024 mức thu 1.410.000 x 1.7 lần = 2.397.000 đồng/tháng/sinh viên (thu 5 tháng/kỳ; 40 tháng/khoá học) tương đương với: 2.397.000 x 40/140 tín chỉ = 685.000/tín chỉ.
Lộ trình tăng học phí năm học 2024-2025 là 2.862.000/tháng/sinh viên; năm học 2025-2026 là 3.401.000/tháng/ sinh viên.
- Đối với sinh viên Chương trình đào tạo chất lượng cao, năm học 2023-2024 mức thu học phí là 5.992.500/tháng tương đương:
Với các môn học thực tập chuyên môn, khoá luận tốt nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh: 685.000/tín chỉ (7 tín chỉ thực tập chuyên môn, 9 khóa luận tốt nghiệp, 8 giáo dục quốc phòng = 24 tín chỉ).
Với các môn cơ sở ngành, các môn tự chọn, các môn tin học, ngoại ngữ, các môn học khác: 1.925.000/tín chỉ (116 tín chỉ).
Lộ trình tăng học phí năm học 2024-2025 là 7.155.000 đ/tháng/sinh viên, năm học 2025-2026 là 8.502.500/tháng/sinh viên;
- Đối với sinh viên Chương trình liên kết đào tạo với ĐH Arizona, Hoa Kỳ: theo thỏa thuận với ĐH Arizona mức học phí là 10.000 USD/năm, Trường ĐH Luật Hà Nội cấp học bổng cho sinh viên trúng tuyển theo học chương trình này bằng mức học bổng năm học 2023-2024 là 2.000 USD.
Tra cứu điểm chuẩn ĐH-CĐ 2023 nhanh trên VietNamNet