Lên đường đi du học kể từ năm 15 tuổi, với Lương Nguyệt Hà (hiện đang là sinh viên Trường ĐH Kansas – ngôi trường hàng đầu về đào tạo ngành Dược ở Mỹ), việc học phổ thông tại đây có khá nhiều điều thú vị.
Ngôi trường phổ thông Hà từng theo học có tên Wisconsin Lutheran High School. Tại đây, trường có tới hơn 135 lớp học khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực, cấp độ; trong đó có khoảng 70 - 80 môn học chính. Đối với những môn bắt buộc, học sinh có thể sẽ phải học kéo dài ít nhất 1 năm, trong khi những môn tự chọn sẽ chỉ học trong vòng 1 kỳ.
Những môn học bắt buộc bao gồm Toán, Văn học, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh – mỗi môn học một năm), Khoa học xã hội (Lịch sử và thể chế tiểu bang), Giáo dục thể chất. Đây được coi là những môn giáo dục cơ sở, giúp mọi học sinh có được những kiến thức cơ bản về cuộc sống.
Danh sách môn học tự chọn của học sinh trung học Mỹ có thể khác nhau tùy vào từng ngôi trường cụ thể, nhưng đối với trường của Hà khá đa dạng, bao gồm: Kinh tế, Marketing, Quản lý chuỗi cung ứng, Ngoại ngữ, Kịch, Hát, Hội họa, Thiết kế đồ họa, Gia công gỗ, May vá,…
Hầu hết khi học các môn này, học sinh cũng được ứng dụng luôn vào thực tế. Ví dụ, khi học môn May vá, các bạn sẽ được tự thiết kế ra những bộ trang phục cho những học sinh khác và có thể dùng vào trong các vở kịch, buổi diễn hàng năm của trường.
Như vậy, trong một học kỳ, học sinh sẽ học khoảng 7 môn (trong đó có 2/3 là môn bắt buộc và 1/3 là môn tự chọn). Số môn học tuy không nhiều, nhưng theo Hà, mức độ kiến thức phủ khá rộng.
“Có những môn như Lý, Hóa, Sinh, mọi học sinh đều phải học, nhưng sẽ chỉ học mỗi môn trong một năm. Thầy cô sẽ đi qua hết những kiến thức nền tảng quan trọng để học sinh nắm được nội dung cơ bản của môn học ấy”.
Ngoài ra, trường cũng không phân biệt khối lớp. Học sinh có thể học những môn tự chọn mang định hướng nghề nghiệp chuyên sâu ngay từ năm lớp 10 và có thể học chung với các anh chị lớp 11, 12.
Cũng nhờ việc cung cấp cho học sinh rất nhiều lựa chọn đa dạng, cả về kỹ thuật, dược, kinh tế, nghệ thuật,… nên học sinh có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời tham gia vào các câu lạc bộ chuyên môn, từ đó có được một số hiểu biết nhất định về các ngành học và tìm ra được hướng đi của mình để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn ở bậc đại học.
Hà cho rằng, điều này không giống như ở Việt Nam, khi chọn trường đại học để thi, học sinh gần như đã phải xác định ngành học khi còn chưa được tiếp cận, làm quen và có hiểu biết về khối ngành mình dự định đăng ký. Vì thế, sinh viên có thể dễ chọn nhầm ngành học hoặc sau một thời gian cảm thấy đó không phải là ngành mình yêu thích.
Nguyệt Hà cùng các bạn tại trường phổ thông Mỹ
Tất nhiên, chương trình học của các môn tự chọn cũng sẽ được chắt lọc, học sinh phổ thông sẽ chỉ học những kiến thức nền tảng và cần thiết, giúp các em có được hiểu biết nhất định về ngành học cụ thể ấy.
Vì có tới 70 – 80 môn học khác nhau nên trong 4 năm THPT, học sinh cũng không thể học hết các môn tự chọn. Tuy nhiên, thông thường theo Hà, học sinh cũng đã có những định hình từ trước đó về nhóm ngành mình yêu thích (thông qua sự tư vấn của gia đình, qua việc quan sát, tìm hiểu hoặc qua các bài kiểm tra ngành nghề phù hợp…). Vì thế, nếu yêu thích nghệ thuật, học sinh cũng sẽ có thiên hướng lựa chọn các môn học liên quan đến nghệ thuật như: hợp xướng, âm nhạc, đóng kịch,…
Và trong trường hợp, học sinh theo học một môn nào đó nhưng cảm thấy không phù hợp, thì học kỳ sau vẫn có thể đăng ký sang môn học thuộc lĩnh vực khác.
“Giống như trước đây, em từng theo học môn Marketing. Thế nhưng, sau khi tham gia lớp học này, em dần nhận thấy mình không thực sự thích thú và cảm thấy phù hợp, mặc dù lúc đầu em cũng có ý định ở bậc đại học sẽ học ngành liên quan đến Kinh doanh, Kinh tế,…
Về sau, em có đăng ký học thêm môn Hóa và Thuốc, em lại cảm thấy rất thích và sau đó mong muốn đi theo hướng liên quan đến Dược.
Cũng nhờ vậy em nhận ra rằng, việc được lựa chọn môn học theo sở thích và khả năng ngay từ bậc phổ thông rất quan trọng, vì nó sẽ cung cấp cho mình kiến thức nền tảng để xem bản thân có phù hợp với ngành đó hay không. Đôi khi, có những ngành mình nghĩ là thích nhưng chưa chắc đã phù hợp”.
Hà cho rằng, có được sự trải nghiệm ấy nên học sinh ít nhiều cũng định hình được về ngành mình muốn đi, tránh việc chọn ngành nhưng sau một thời gian lại cảm thấy không phù hợp.
“Tại Mỹ, các trường hoàn toàn để cho học sinh tự khám phá, tự tìm hiểu bản thân mình chứ không rập khuôn theo kiểu, tất cả học sinh đều phải học những môn bắt buộc. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu với các cựu học sinh tới để chia sẻ về thông tin ngành học hay một ngày đi làm của một dược sĩ/ kỹ sư sẽ như thế nào,… Đó là cách rất hiệu quả giúp học sinh có thêm những hiểu biết sâu sắc về các ngành”, 10X cho biết.
Vấn đề giáo viên không phải rào cản Nguyệt Hà cho rằng, việc để cho học sinh tự lựa chọn môn học sẽ xảy ra tình huống, có những môn rất đông học sinh chọn, nhưng có những môn học lại ít người chọn hơn. Nhưng đây cũng không phải là rào cản. Để giải quyết vấn đề này, có những thầy cô sẽ phụ trách nhiều môn một lúc. Chẳng hạn ở mảng Kinh tế, Kinh doanh, thầy cô dạy môn Kế toán có thể kiêm luôn Marketing hay Kinh tế. Ngược lại, đối với những môn bắt buộc có nhiều lớp, nhiều học sinh lựa chọn theo học, mỗi thầy cô chỉ dạy theo đúng chuyên môn của họ, chẳng hạn, giáo viên Hóa sẽ chỉ dạy Hóa, hay giáo viên Sinh sẽ chỉ dạy Sinh. Trường cũng sẽ có sự ưu tiên cho học sinh lớp 12 – lớp cuối cấp được chọn môn trước, sau đó mới tới học sinh lớp 11, lớp 10, lớp 9. Ngoài ra, với những môn học đặc thù, chẳng hạn về nghệ thuật, trường sẽ tuyển những người có chuyên môn về lĩnh vực này. Tất nhiên, để có thể giảng dạy, họ cũng sẽ phải học thêm chứng chỉ hành nghề dạy học và trong vòng 2 năm sẽ phải thi để cấp lại chứng chỉ một lần. |
Thúy Nga
Hơn 100 tổ hợp môn học chương trình lớp 10 mới?
Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023. Một trong những điểm mới, thay vì 13 môn học như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn trong đó 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.