XEM CLIP:

Tham gia đoàn diễu hành là các lực lượng nghệ nhân thủ công, các nghệ sỹ trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, các em học sinh sinh viên, các doanh nghiệp, lực lượng thanh niên, phụ nữ, và đại biểu các ban ngành đoàn thể, cùng người dân, du khách… và đại biểu các cơ quan ban ngành địa phương trên toàn địa bàn TP. 

Chị Phan Hằng (25 tuổi, đến từ Quảng Trị) cho biết, không khí như một lễ hội, mở ra cho Hội An một bước đi mới.

“Đây là cơ hội cho TP Hội An quảng bá hình ảnh đến với bạn bè du khách trên thế giới. Lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian tại Hội An từ lâu đã có nhiều đặc sắc. Bản thân tôi thích nhất là làng mộc Kim Bồng. Ở đây với nhiều tác phẩm độc đáo, từ nhỏ đến lớn, tạo cho người xem nhiều cảm xúc lạ lẫm khi chứng kiến”, chị Hằng nhận định.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (TP Hội An, người sáng tạo những gốc tre thành các tác phẩm nghệ thuật) cho hay, đây như một ngày hội của những người làm nghệ thuật tại Hội An.

W--q2a7980-1.jpg
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tại buổi diễu hành

“Chúng tôi rất đỗi tự hào khi TP Hội An được trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023. Chúng tôi sẽ cố gắng sản xuất ra nhiều tác phẩm đẹp, quảng bá nhiều hình ảnh con người Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế”, nghệ nhân Đỏ chia sẻ.

Trước đó, Ngày 31/10, Thông tin từ UBND TP Hội An, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam, chính thức làm thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

W-anh-1-1.jpeg
Buổi diễu hành quanh các con phố trong TP Hội An

Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3500-4000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

W--q2a8060-1.jpg
Tham gia đoàn diễu hành là các lực lượng nghệ nhân thủ công, các nghệ sỹ trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian...

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, đây là dấu son, bước ngoặt trong chặng đường mới.

“Toàn thể nhân dân TP Hội An cảm thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc với thành phố thân yêu của mình. Gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo không chỉ là danh hiệu mà là vinh dự, đó còn là sự cam kết về chặng đường mới phải hành động”, ông Lanh nói.

Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững. 

W--q2a8032-1.jpg
Học sinh, du khách đạp xe đạp diễu hành

Hội An sẽ được mở rộng mối quan hệ, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của thành phố.

Một số hình ảnh được ghi nhận vào sáng 1/11:

Hội An và Đà Lạt là hai TP được gia nhập thành phố sáng tạo đợt này của UNESCO

Rất đông người dân, du khách hưởng ứng ngày Hội An gia nhập thành phố sáng tạo