Độc giả Nguyễn Đức Hùng chia sẻ hành trình khám phá quần thể Angkor, nơi từng được ca ngợi là "một kiến trúc phi thường không thể miêu tả bằng giấy bút".
Có đến hơn 1.000 ngôi đền với kích cỡ và hình dáng mang đậm phong cách kiến trúc Khmer ở quần thể di tích này. Nổi tiếng và hoành tráng nhất là đền thờ Angkor Wat - “thành phố của những ngôi Đền” trong tiếng Khmer - được nhà vua Suryavarman II cho xây dựng vào đầu thế kỷ 12. Ban đầu, công trình được xây dựng làm đền thờ Hindu nhưng sau đó vào thế kỷ 14 được chuyển thành đền thờ Phật giáo.
Đền thờ Angkor Wat và cũng là lăng mộ của vua Suryavarman II được xây dựng hoàn toàn từ 5 triệu tấn đá sa thạch, mỗi khối đá nặng gần 1,5 tấn trong 35 năm cho đến khi vua băng hà vào năm 1150.
Toàn bộ số đá sa thạch được lấy từ vùng núi Kulen nằm cách Angkor khoảng 80 km. Mãi tới gần đây, qua ảnh vệ tinh, người ta mới phát hiện ra một con kênh đào dài 32 km được dùng để vận chuyển những khối đá sa thạch, ngắn hơn nhiều so với lộ trình 90 km bằng đường sông như các chuyên gia từng giả định. Khảo sát thực địa, người ta đã tìm thấy một số đoạn kênh còn sót lại vẫn chứa nước trong khi các đoạn kênh khác bị biến mất theo thời gian hoặc bị rừng già xâm thực.
Khu chính điện của Ankor Wat gồm ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, tầng 1 tượng trưng cho cõi âm, tầng 2 tượng trưng cho hiện tại và tầng 3 tượng trưng cho thiên đường. Tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm cao 64 m và bốn tháp vuông xung quanh nằm ở tầng trên cùng.
Kiến trúc hoàn toàn bằng đá hùng vĩ cùng các điêu khắc tinh xảo và tuyệt đẹp trên các bức tường đá đã làm nên một Angkor vĩ đại. Trên những bức tường đá tại Angkor Wat là hàng ngàn những nhân vật, câu chuyện về đời sống của người Khmer giai đoạn đó. Ước tính có hơn 3.000 bức phù điêu vũ nữ Apsara được khắc trên các bức tường trên khắp các ngôi đền. Điều đặc biệt là mỗi bức phù điêu Apsara đều có điểm đặc biệt riêng, với các kiểu tóc và điệu bộ khác nhau.
Ngôi đền là niềm tự hào của người Campuchia và được xuất hiện trên quốc kỳ của đất nước này ngay từ khi ra mắt vào năm 1863.
Nằm cách Angkor Wat khoảng 2km là Angkor Thom, thủ đô hùng mạnh của người Khmer xưa. Được biết, vào thế kỷ 12 có khoảng 1 triệu dân sống trong thành phố này. Lúc đó dân số của London cổ vào khoảng 800 ngàn người. Angkor Thom sở hữu những đền chùa và kiến trúc nổi bật như đền mặt thần Bayon và đền Phnom Bakheng ở đỉnh đồi, nơi được các du khách chọn để ngắm hoàng hôn trên Angkor mỗi buổi chiều.
Ngôi đền Bayon là một quần thể kiến trúc xây dựng kiểu bậc thang, được tạo thành bởi 50 ngọn tháp bằng đá lớn nhỏ liên kết với nhau và mỗi ngọn tháp đều điêu khắc 4 gương mặt của thần Lokesvara và hướng về 4 hướng khác nhau.
Đền Bayon được xem là một trong những kiệt tác kiến trúc của Campuchia. Ngôi đền có diện tích 9km2 và không có tường rào bao quanh. Cấu trúc đền Bayon gồm 3 tầng, hai tầng phía dưới thiết kế theo hình vuông với khoảng 11 ngàn bức phù điêu miêu tả các trận chiến nổi tiếng hay cuộc sống của người dân được khắc trên tường. Tầng 3 được thiết kế hình tròn với các ngọn tháp có tượng 4 mặt.
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhất. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai?
Ta Prohm là một trong những đền thuộc Angkor Wat được du khách và nhiếp ảnh gia săn hình nhiều nhất. Ngôi đền được xây dựng năm 1186 nằm về phía Đông của quần thể Angkor Thom. Bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ (Tomb Raider) đã thực hiện một số cảnh quay tại đây. Từ khi bộ phim được công chiếu năm 2001, ngôi đền Ta Prohm cũng như di tích Angkor trở lên nổi tiếng toàn thế giới.
Ngôi đền thiêng với các bảo tháp và tường đá được các bộ rễ cây tung và kơ-nia đại thụ ôm trọn, cho du khách cảm giác huyền bí khi đến thăm.
Năm 1586, Antonio da Madalena, một tu sỹ người Bồ Đào Nha là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến quần thể Angkor và miêu tả rằng đây là một kiến trúc phi thường mà không thể miêu tả bằng giấy bút, chủ yếu là vì nó không giống bất kỳ công trình nào khác trên thế giới. “Ở đây có những tòa tháp, lối trang trí với tất cả sự tinh xảo mà con người khó có thể tưởng tượng ra.”
Quần thể kiến trúc Angkor đã bị bỏ hoang và lãng quên khi các vị vua Khmer chuyển thủ đô về Phnom Penh vào thế kỷ 15. Cho đến tận năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot mới phát hiện ra Angkor Wat hùng vĩ này trong một chuyến thám hiểm. Lúc đó ông không tin công trình được xây dựng bởi người Khmer và viết rằng "nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta".
Sau hơn 2 năm Covid-19, khách du lịch bắt đầu quay trở lại thăm Angkor. Trước mùa dịch năm 2019, có khoảng 2,2 triệu du khách quốc tế đến thăm Angkor.
Theo anh Say, một hướng dẫn viên du lịch người địa phương, du khách Việt là một trong những nguồn khách chính đến thăm Angkor. Hiện có các chuyến bay thẳng từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Siem Reap với thời gian khoảng 2 tiếng. Ngoài ra, nhiều du khách Việt Nam chọn tour đi Siem Reap và Phnom Penh bằng đường bộ.
Nguyễn Đức Hùng