Phật giáo từ lâu đã trở thành quốc giáo ở Lào. Vào mỗi buổi sáng nhiều Phật tử, người dân thường mang lễ vật là đồ ăn chín ra trước cửa nhà hoặc vỉa hè, gần cổng chùa để dâng lên các chư tăng. Truyền thống này giúp người tu hành vừa độ nhật, vừa bỏ lòng sân si ngã mạn và gián tiếp tạo công đức cho người cúng dường vật phẩm.
Các đoàn du khách được đơn vị tổ chức tour sắp xếp thời gian đến một địa điểm để xem chư tăng đi khất thực (Tak Bat). Đây là một nghi lễ tôn giáo linh thiêng, không phải hình thức biểu diễn phục vụ du lịch. Khi đến một địa điểm đã định sẵn, mỗi du khách được phát một chiếc khăn được gọi là "phạ phe" giống khăn rằn ở miền Tây Việt Nam để quàng chéo qua vai.
Tại đây có dịch vụ bán thức ăn chín. Tùy nhu cầu, mỗi khách có thể mua từ một đến vài giỏ xôi để dâng lên các chư tăng. Mọi người được khuyến cáo không dâng các lễ vật sống, đồ chiên xào và tiền, không mua thức ăn bày sẵn trên hè phố bởi chúng thường có giá cao và chất lượng kém.
Đồ đựng lễ vật của chư tăng là chiếc thố có chân cao bằng nhôm, bằng đồng được trang trí hoa văn và có quai đeo.
Các nhà sư đi chậm rãi, đến trước mặt mỗi một du khách, họ đều dừng lại để nhận đồ ăn. Khi đó, nhà tu hành một tay mở nắp giỏ, một tay giữ chắc để không bị đung đưa.
Mỗi một nhà sư đánh mắt nhìn về một hướng khác nhau, gương mặt nghiêm nghị, không cười, cũng không nói câu nào, kể cả khi nhận đồ ăn.
Mỗi một du khách thường bốc một nắm xôi kích cỡ bằng chiếc chén uống nước hoặc to hơn rồi đặt vào thố. Lần lượt từng chư tăng cứ thế đi thoăn thoắt ngang qua du khách. Ai chậm chạp dễ bị bỏ lỡ, dâng không đủ và đều thức ăn cho mỗi sư.
Khi bị đầy xôi, các vị chư tăng liền bốc xôi bỏ vào một chiếc giỏ lớn đặt dọc lối đi để tiến lên phía trên nhận tiếp đồ ăn của những người khác.
Anh Thái Quang Minh (thứ 3 từ trái sang), một du khách Việt Nam lần đầu tiên đến Luang Prabang, trải nghiệm dâng thức ăn cho các chư tăng. Anh cho biết, cảm thấy ấn tượng và vui vẻ khi được làm điều ý nghĩa này.
Đi phía sau những nhà tu hành lớn tuổi là các chú tiểu. Đối với các vị sư, các khất sĩ, việc ôm bình bát đi xin khiến cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não.
Dịch vụ cung cấp đồ ăn sẵn sàng cấp bổ sung cho vị khách nào có nhu cầu mua thêm. Mọi người chỉ cần ngồi yên tại chỗ, các giỏ xôi sẽ được đặt trước mặt, trong khi chờ nhóm nhà sư tiếp theo.
Sau khi chư tăng đã đi qua, du khách đặt những miếng xôi nhỏ lên bờ tường với ý nghĩa để dành cho những người "khuất mặt khuất mày", tức là phần cho những linh hồn lang thang trên thế gian.
Những sọt đựng xôi được khênh về nơi quy định. Các chư tăng sau đó đi khất thực tiếp tục ở nơi khác cho đến trước giờ Ngọ (12h trưa), không khất thực quá 7 nhà, không phân biệt giàu nghèo, thức ăn ngon dở, không đứng trước cửa chợ và một ngày chỉ ăn một bữa trước khi trời đứng bóng.