Vào dịp lễ Tết, nhiều người chọn đi du lịch để có những trải nghiệm thú vị. Một trong những lo lắng khi thuê khách sạn, nhà nghỉ là camera quay lén gắn trong phòng để ghi lại những hình ảnh nhạy cảm.
Trong những năm qua, các trường hợp phát hiện camera quay lén trong khách sạn dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Chúng được giấu trong những món đồ tưởng chừng vô hại như máy báo khói, đồng hồ báo thức, ổ điện, thậm chí là chai dầu gội hay lăn khử mùi.
Đồng hồ, ổ điện, bật lửa... là camera quay lén
Tháng 5/2019, một chuyên gia bảo mật khi thuê phòng trên ứng dụng Airbnb đã tình cờ phát hiện camera giấu trong một cái lỗ trên router Wi-Fi. Vào tháng 6, một cặp tình nhân đã tìm thấy camera quay lén đặt trong TV khi thuê khách sạn ở Trung Quốc. Cảnh sát sau đó xác định có người đã gắn camera quay lén trong ít nhất 5 căn phòng.
Chiếc router kỳ lạ tại ngôi nhà cho thuê trên ứng dụng Airbnb. Ảnh: SCMP. |
Tại Hàn Quốc, một đường dây đã bị bắt vào tháng 3/2019 do gắn camera quay lén rồi phát trực tiếp hình ảnh từ hàng chục phòng trọ.
Randy Andrews, chuyên gia về camera an ninh, người tạo ứng dụng phát hiện camera quay lén (Hidden Camera Detector) cho rằng công nghệ phát triển đồng nghĩa với sự bùng nổ của camera quay lén khi những chiếc máy quay ngày càng nhỏ hơn, chỉ cỡ đầu ngón tay. Chiếc camera nhỏ nhất mà Andrews từng nhìn thấy nằm trong đầu vít Philips.
Camera quay lén có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đã du nhập đến nhiều quốc gia. "Ban đầu, những camera này chỉ có trên các website Trung Quốc như Alibaba. Giờ đây, cả Amazon và eBay cũng bán chúng", Andrews chia sẻ.
Một camera quay lén giấu kín trong khung ảnh bị phát hiện ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Có những món đồ còn không liên quan gì đến công nghệ như quyển sách giá 50 USD hay khung ảnh giá 100 USD. Nhìn bằng mắt thường, chúng hoàn toàn vô hại.
Tháng 7/2019, phóng viên đài CCTV (Trung Quốc) đã ghé thăm khu chợ điện tử Huaqiangbei tại Thâm Quyến để xem sự "muôn hình vạn trạng" của camera quay lén. Họ tìm thấy những chiếc camera được "ngụy trang" rất tinh vi dưới dạng bút, bật lửa, đồng hồ báo thức... mặc cho luật pháp Trung Quốc xem đây là hành vi bất hợp pháp vì kẻ xấu có thể lợi dụng chúng để bí mật theo dõi, quay lén người khác.
Camera quay lén "đội lốt" USB nhớ và ổ cắm điện được tìm thấy tại khu chợ Huaqiangbei ở Thâm Quyến. Ảnh: Abacus, CCTV. |
Còn có ổ cắm điện với camera giấu rất kín trong lỗ cắm, mặt sau có keo để dán lên tường, bên dưới có khe thẻ nhớ SD và cổng sạc. Hình ảnh được truyền trực tiếp và có thể xem bằng ứng dụng cài trên smartphone.
Ngay cả khi đi ngoài đường, có rất nhiều người cầm biển bán những thiết bị gián điệp như camera quay lén, máy theo dõi GPS và thiết bị gian lận trong game đánh bài. Tuy nhiên họ không có sẵn thiết bị. Nếu ai có nhu cầu, họ sẽ hẹn ở một quán cafe gần đó để giao dịch.
Lý do thứ 2 cho sự phổ biến của camera quay lén là chúng rất dễ sử dụng. Nếu 4 năm trước, bạn phải qua nhiều bước bảo mật để xem video truyền từ camera thì hiện nay, hầu hết đều lưu video trên thẻ SD, thậm chí có Wi-Fi để truyền hình ảnh đến ứng dụng cài trên smartphone, tablet với quy trình thiết lập đơn giản.
Nỗi lo không của riêng ai
Tại Mỹ, gắn camera quay lén trong phòng khách sạn là bất hợp pháp. Theo Andrews, khách sạn sẽ không chủ động gắn camera quay lén mà đa số là nhân viên hoặc những người có thể ghé vào phòng.
Camera quay lén cũng là vấn đề lo lắng của nhiều du khách. Trong cuộc khảo sát của hãng đầu tư IPX1031 với 2.000 người dùng Airbnb, 58% cảm thấy lo lắng về camera quay lén trong khách sạn, nhà nghỉ, và 11% xác nhận đã tìm thấy camera quay lén trong các căn nhà thuê trên Airbnb.
Camera quay lén giấu trong công tắc điện (trái) và đế máy sấy tóc (phải) bị phát hiện trong hàng chục nhà trọ tại Hàn Quốc vào tháng 3/2019, chúng phát tán video của 1.600 nạn nhân. Ảnh: CNN. |
Theo chính sách của Airbnb, việc gắn camera quay lén hoàn toàn bị cấm. Chủ nhà có thể gắn camera hoặc thiết bị ghi hình trong các khu vực chung và phải báo cho người thuê. Việc gắn camera trong phòng ngủ, phòng tắm bị cấm dưới mọi hình thức.
Dù vậy, vẫn có những ông bà chủ vi phạm chính sách khi hãng bảo mật Logan Security Consulting của Andrews phải nhận vài báo cáo mỗi tuần.
"Gần đây, có người báo rằng ứng dụng của chúng tôi phát hiện camera quay lén trong nhà thuê trên Airbnb. Chủ nhà khẳng định đó chỉ là cảm biến theo dõi. Dựa trên bức ảnh được cung cấp, chúng tôi đã kiểm tra và xác nhận nó có quay video", Andrews chia sẻ.
Cách phát hiện camera quay lén
Có nhiều cách để người dùng biết phòng khách sạn hay nhà nghỉ có gắn camera quay lén không. Trước khi đặt phòng, hãy hỏi những người từng thuê trước đó hoặc đại diện khách sạn, nhà thuê để nắm thông tin.
Ngoài ra, có nhiều ứng dụng giúp phát hiện camera quay lén trong phòng. Với giá 4 USD (miễn phí trong 3 ngày), Hidden Camera Detector là ứng dụng được nhiều người tin tưởng.
Sử dụng camera và đèn pin điện thoại, ứng dụng sẽ tìm ra những lỗ khoét đáng nghi. Nó cũng có thể tìm thiết bị nghi ngờ bằng cách quét Wi-Fi, mạng nội bộ và Bluetooth.
Ứng dụng Hidden Camera Detector có thể giúp bạn phát hiện camera quay lén trong khách sạn. Ảnh: App Store. |
Khi quét xong, sẽ có 3 loại thiết bị được liệt kê. Thứ nhất là thiết bị nghi là camera quay lén, thứ 2 là camera bình thường có thể truy cập từ Internet (camera an ninh), cuối cùng là những thiết bị kết nối Wi-Fi không có chức năng ghi hình.
Tất nhiên, mọi người có thể tự mình kiểm tra phòng bằng mắt thường. Món đồ cần kiểm tra đầu tiên là đồng hồ báo thức, bạn sẽ biết nó là camera quay lén nếu thấy khe thẻ nhớ. Ngoài ra, Andrews cũng khuyên kiểm tra máy báo khói xem có lỗ khoét nào không, vì nhiều khả năng đó là camera quay lén.
Cuối cùng là những món đồ đặt ở vị trí lạ. "Nhân viên dọn dẹp sẽ thu những vật dụng bị bỏ quên bởi người thuê trước. Nếu cục sạc điện thoại được gắn rồi bỏ quên trong phòng tắm, họ sẽ lấy chúng. Hãy cẩn thận với bất cứ thiết bị đặt ở những nơi lạ. Bạn có quyền nghi ngờ nếu thấy cục sạc đặt trong nhà tắm", Andrews chia sẻ.
Trong lúc cô gái vào phòng thử đồ, người đàn ông đã dùng điện thoại quay lén. Sự việc được camera trung tâm thương mại ghi lại.