Tại hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, sau khi xem Phóng sự kết quả 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nghe Báo cáo tóm tắt kết quả 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (2021-2023), nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn đến năm 2025, ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, lãnh đạo các tổ chức chính trị -xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận và chỉ đạo như sau:

Sau gần 03 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến địa phương, là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, sức sống và diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; tư duy kinh tế nông nghiệp bước đầu lan tỏa, tác động vào quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn; môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

miennui
Với nhiều địa hình, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, nhiều vùng nông thôn Việt Nam hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông thôn.

Để có được thành tựu ấy, có sự tiếp sức không nhỏ của các mô hình du lịch nông thôn. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Với nhiều địa hình, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, nhiều vùng nông thôn Việt Nam hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Tiêu biểu là khu vực Lai Châu, Hà Giang, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long,... mỗi vùng đều có các di sản văn hoá đặc trưng, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có các vùng các thôn quê trù phú, các làng nghề, văn hoá ẩm thực.... thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch này.

Đặc biệt, không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hoá truyền thống của người dân bản địa, du lịch nông thôn còn góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.

Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống…

Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản...

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao…

Không thể phủ nhận, việc thúc đẩy du lịch trải nghiệm đang góp phần tích cực để nông thôn dần trở thành những “miền quê đáng sống”, nơi “để đi về”.