“Hướng biển là xu thế tất yếu trong phát triển mạng lưới đô thị Việt Nam trong quá khứ và tương lai”, PGS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã từng nhận định như vậy cách nay chục năm.

Ngày nay, trên toàn thế giới du lịch đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá xã hội và phát triển mạnh mẽ với tư cách như là một ngành kinh tế quan trọng ở nhiều nước trên thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Với khoảng 125 bãi biển, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch và hơn 30 trong số này đã được các địa phương khai thác tốt để để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là lợi thế thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam để phát triển du lịch. 

Phát triển đô thị du lịch biển cần theo hướng sinh thái

Đã từ lâu giới quy hoạch kỳ vọng, du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của đô thị ven biển, đồng thời, hình ảnh đô thị biển với diện mạo kiến trúc của nó đang dần dần tạo dựng đặc trưng của mỗi đô thị, mỗi vùng đất, mỗi dự án thu hút sự chiêm ngưỡng của du khách khi nhìn từ biển vào bờ và từ thành phố hướng ra biển.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Kiến trúc du lịch biển sẽ làm biến đổi bộ mặt và cảnh quan đô thị, làm cho đô thị sinh động và thơ mộng hơn… cũng như góp phần cải tạo, làm giàu thêm môi trường thiên nhiên và điều kiện sống của con người.

Hiện nay các khu du lịch biển, đặc biệt là resort đã có nhiều thành công và mang thương hiệu cho những khu vực biển như ở Đà Nẵng, Nha Trang…. Nhiều resort tầm quốc tế tạo nên thương hiệu.

Tuy nhiên, thực tế phát triển đô thị du lịch biển trong 20 năm đổi mới đã bộc lộ những hạn chế về không gian quy hoạch, kiến trúc và đầu tư xây dựng, ô nhiễm môi trường… dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái tự nhiên và du lịch. Nguyên nhân chủ yếu là từ công tác quy hoạch, kiến trúc và đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng chưa hợp lý, việc khai thác thủy sản quá mức, lượng khách tập trung quá sức chứa của môi trường…

Các khu du lịch biển chưa chú trọng nội dung sinh thái đô thị trong nghiên cứu và triển khai xây dựng, chưa giải quyết các mối quan hệ giữa khu vực ven biển với các chức năng đô thị khác, mối quan hệ về không gian giữa khách du lịch và dân cư địa phương.

Chính vì vậy, xu thế phát triển đô thị du lịch biển cần theo hướng sinh thái: chức năng của đô thị phải được hài hòa với tự nhiên, dựa vào tự nhiên và được tự nhiên chấp nhận như là thành phần hữu cơ của tổng thể;  đạt được sự cân bằng của hệ sinh thái đô thị giữa dân cư địa phương và của khách du lịch cần không gian nghỉ ngơi, giải trí…

Song, để xây dựng các khu du lịch biển theo hướng bền vững, Xanh không phải là điều dễ dàng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể về tiềm năng và quy mô

Theo đại diện Hội KTS Khánh Hòa, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, phải xem con người là một yếu tố quyết định của môi trường, muốn phát triển kiến trúc “xanh” phải có con người “xanh”, cần phải thông hiểu con người trong xã hội đó về nhiều mặt để phát ra những thông điệp hữu hiệu, đề ra phương pháp thực thi hiệu quả.

Dẫn chứng về thực tiễn hiện nay, đại biểu của Khánh Hòa dẫn chứng: Phần lớn đồ án quy hoạch khu du lịch ven biển tại từng địa phương trên cả nước ít để ý đến các điều kiện phong thổ tự nhiên, văn hóa bản địa nên đều nhang nhác giống nhau, chủ yếu thực hiện theo đơn đặt hàng và thường có mục đích kinh doanh dự án, bất động sản… qua vỏ bọc phát triển du lịch, hiếm thấy những đồ án có chất lượng phục vụ phát triển du lịch, nhất là du lịch Xanh… Nét độc đáo đặc trưng của vùng miền và thành phố đang đối diện với nguy cơ phá sản…

Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một quy hoạch tổng thể về tiềm năng và quy mô của mỗi địa điểm du lịch cho toàn bộ vùng biển – đảo trên cả nước, giúp các tỉnh và Chính phủ định hướng, phê duyệt các dự án đầu tư du lịch biển thuận lợi và không bị chồng chéo, phát huy tối đa nguồn lợi du lịch biển từ đầu tư nước ngoài.

Và điều quan trọng trước nhất, cần đề cao vai trò của quy hoạch và xây dựng – người đứng vai trò hướng dẫn, thực hiện các đồ án theo mong muốn của nhà đầu tư – giúp đô thị biển trở thành những sản phẩm kiến trúc, văn hóa, du lịch chất lượng cao…

Hải Đăng - Lan Hương