Phát biểu tại hội thảo “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh” tổ chức chiều 10/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá cao công cuộc chuyển đổi số tại địa phương.
Các cấp, các ngành quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng CNTT, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được đầu tư, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; bước đầu đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo ông Bửu, tạo lập và khai thác dữ liệu số giúp các ứng dụng hoạt động hiệu quả, hỗ trợ ra quyết định các cấp, hỗ trợ lập kế hoạch và phát triển, đối phó các thách thức xã hội, tối ưu các quy trình nội bộ, dự đoán phòng ngừa các nguy cơ rủi ro, góp phần nâng cao năng lực dự đoán phục vụ hoạch định chính sách, nâng cao năng lực phản hồi và tương tác với người dân.
Ông Bửu nhìn nhận, dữ liệu số và nền tảng số là những thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trong đó dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số, được xem là tài nguyên mới trong kỷ nguyên 4.0.
“Tại Quảng Nam, bước đầu đã hình thành được nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh”, ông Bửu nói.
Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương trao đổi để hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong chuyển đổi số, giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển dữ liệu số, cũng như đưa ra chiến lược phát triển dữ liệu số của tỉnh...
Xây dựng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Dương Ngọc Vinh chia sẻ, chuyển đổi số trong ngành y tế làm thay đổi tích cực, toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Đồng thời, từng bước xây dựng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh. Phấn đấu 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Còn đại diện UBND xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc) chia sẻ, Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống...
"Tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp bà con nhân dân thay đổi từ nhận thức đến thói quen về sử dụng công nghệ, là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã…", UBND xã cho hay.
Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số
Trưởng Ban cơ sở hạ tầng, Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phi Hùng chia sẻ về chiến lược dữ liệu quốc gia.
“Chiến lược dữ liệu quốc gia bao gồm 5 quan điểm chính: Hạ tầng dữ liệu là cốt lõi, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số; Định hướng đột phá để tạo lập thị trường dữ liệu; Tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là những người khó khăn; Bảo đảm chủ quyền; Phát triển dữ liệu Việt do người Việt tạo ra, từ đó chính người dân là người hưởng lợi ích và dữ liệu mang lại”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tùy theo mỗi yếu tố sẽ tương ứng với từng mục tiêu cho chiến lược dữ liệu quốc gia khác nhau. Về dữ liệu công sẽ khai thác chia sẻ, phát triển xã hội. Dữ liệu tư sẽ tạo thị trường, phát triển kinh tế. Bảo vệ an toàn dữ liệu và khai thác tài nguyên dòng chảy dữ liệu qua biên giới.
Từ những thông tin về chiến lược dữ liệu quốc gia, ông Hùng đưa ra một số thông tin trao đổi, định hướng phát triển dữ liệu số Quảng Nam. Đối với dữ liệu cho chính quyền số, cần tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng.
“Trực tuyến dịch vụ công toàn trình để thu thập dữ liệu và hoàn thiện nền tảng tương tác. Tạo lập kho dữ liệu số cán bộ công chức viên chức. Kết nối, truy xuất nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hình thành dữ liệu công dân số và triển khai các giải pháp theo dõi, đánh giá, chấm điểm công dân”, ông Hùng đề xuất.
Đối với dữ liệu phát triển kinh tế số, ông Hùng cũng đưa ra các kiến nghị, ứng dụng công nghệ số để phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đẩy mạnh và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương lên các sàn thương mại. Gắn thanh toán không dùng tiền mặt vào mọi mặt của cuộc sống và phát huy lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Đề nghị ngân hàng tham gia sâu vào lĩnh vực này.
Về dữ liệu phát triển xã hội số, cần tạo tạo dựng công cụ kết nối người dân và chính quyền (Nền tảng công dân số) để người dân thực sự gắn kết với chính quyền, trao đổi các thông tin hữu ích. Triển khai các hệ sinh thái y tế thông minh, giáo dục thông minh...
Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT Quảng Nam) Trương Thái Sơn chỉ ra những tồn tại về dữ liệu tại tỉnh.
“Tỷ lệ các cơ sở dữ liệu có API kết nối, chia sẻ dữ liệu qua LGSP còn thấp. CSDL chủ yếu phục vụ hoạt động nội bộ của đơn vị, của ngành, công tác quản trị, chia sẻ dữ liệu chưa được quan tâm. Các ngành chủ quản CSDL chưa quan tâm xây dựng đặc tả cấu trúc dữ liệu, chuẩn dữ liệu, tài liệu kỹ thuật về chia sẻ dữ liệu theo quy định tại nghị định 47”, ông Sơn thông tin.
Theo ông Sơn, còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành. Việc quản lý dữ liệu chủ yếu còn trên giấy tờ, sổ sách, dữ liệu dạng văn bản, excel, chưa hình thành dữ liệu có cấu trúc.
Việc ứng dụng, khai thác dữ liệu còn hạn chế, dữ liệu chủ yếu phục vụ công tác tra cứu, đối chiếu, thống kê báo cáo, chưa được khai thác sử dụng để thay thế hồ sơ giấy, sổ sách.
Từ đó, ông Sơn cũng đưa ra một số giải pháp để phát triển dữ liệu số như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa dữ liệu; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về dữ liệu; Huy động các nguồn lực; Đo lường, giám sát triển khai kiểm kê dữ liệu, kiểm tra, đánh giá chất lượng dữ liệu.