Mới đây, ông N.V.C. chia sẻ trên mạng xã hội về tình huống vướng mắc của gia đình mình liên quan pháp luật cư trú.
Cụ thể, trước đây, ông C. đã tách hộ khẩu thành 1 sổ, còn bố mẹ ông ở sổ khác. Giờ ông ở nơi khác, muốn đưa bố mẹ đẻ về ở cùng nhà của mình nên đi đăng ký tạm trú cho bố mẹ.
Tuy nhiên, khi ông C. ra công an xã để làm thủ tục đăng ký tạm trú thì được hướng dẫn làm hợp đồng ở nhờ giữa ông và bố mẹ.
Theo ông C., nếu làm hợp đồng ở nhờ, ông lo lắng bố mẹ mình "dỗi" không về ở cùng nhà nữa.
Qua tìm hiểu của phóng viên, ông N.V.C. (43 tuổi) đang tạm trú ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông đã mua nhà ở xã An Khánh nhiều năm trước.
Ông C. cho biết: "Tôi đang ở trên địa bàn xã An Khánh (huyện Hoài Đức) nhưng chỉ đăng ký tạm trú, còn hộ khẩu thường trú ở quận Thanh Xuân.
Tôi mua nhà ở đây năm 2021 và đăng ký tạm trú từ khi đó. Ngôi nhà là tài sản chính chủ của tôi, tôi thường xuyên ở ngôi nhà này. Tôi hết hạn đăng ký tạm trú từ tháng 9/2023.
Mới đây, tôi ra đăng ký tạm trú thêm cho bố mẹ thì cán bộ công an xã nói: Hộ khẩu của bố mẹ và tôi là 2 hộ khác nhau, không thể gom vào cùng 1 tờ đơn được. Nếu muốn làm tạm trú cho bố mẹ ở cùng, tôi phải làm hợp đồng cho ở nhờ.
Tôi không đồng ý nên đi về... tiếp tục tìm hướng giải quyết và đăng thông tin lên mạng xã hội".
Trao đổi với PV VietNamNet, một lãnh đạo Công an xã An Khánh cho biết, ông C. viết thông tin đăng trên mạng xã hội là không đúng sự thật, đơn vị đang yêu cầu ông C. gỡ thông tin đó.
“Ông C. chỉ đăng ký tạm trú ở địa phương, không có hộ khẩu thường trú. Tức là nhà không có người, nên cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ tài sản của công dân, tránh tình trạng tranh chấp tài sản”, lãnh đạo Công an xã An Khánh nói.
Vị lãnh đạo Công an xã An Khánh khẳng định, đơn vị không gây khó khăn cho bất kỳ ai đăng ký tạm trú và luôn làm theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, Tiến sĩ, luật sư Hoàng Tám Phi - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Anh cho biết: Hiện nay, công dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú trực tiếp hoặc trực tuyến rất thuận lợi.
Trường hợp làm thủ tục trực tiếp: Công dân đến công an cấp phường, xã nơi dự kiến tạm trú để nộp hồ sơ.
Theo khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú năm 2020, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và đầy đủ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thực hiện: Thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú, thời hạn tạm trú của công dân vào cơ sở dữ liệu về cư trú. Thông báo việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú cho người đăng ký. Nếu từ chối đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó có nêu rõ lý do.
Cũng theo luật, công dân khi đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì bắt buộc phải đăng ký tạm trú.
Khi ở nhà người thân, sinh sống trên 30 ngày tại địa phương khác nơi thường trú, công dân vẫn phải đăng ký tạm trú. Nếu không đăng ký tạm trú theo đúng quy định, công dân có thể bị phạt vi phạm hành chính.
Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Hoàng Tám Phi cho biết: “Công dân có quyền cư trú bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, miễn là có chỗ ở hợp pháp và thực hiện việc khai báo về cư trú theo quy định.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, nhà thuê, mượn...
Như vậy, trong tình huống gia đình ông C. nói trên, ông C. đã đăng ký tạm trú thành công, được hiểu đã có tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và muốn đưa bố mẹ về ở cùng là quyền của người con. Người này chỉ có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký tạm trú cho bố mẹ mình theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Cư trú”.
Theo luật sư Phi, ông C. là con và muốn đưa bố mẹ về ở cùng để chăm sóc là đạo lý tốt đẹp. Vì vậy cơ quan chức năng cần linh hoạt trong công tác thẩm xét hồ sơ với việc chỉ nên yêu cầu ông C. chứng minh quan hệ cha con (giấy khai sinh) là phù hợp với thực tế và đạo lý. Việc yêu cầu có hợp đồng cho ở nhờ trong quan hệ này là khiên cưỡng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Bình luận về ý kiến cho rằng có thể phát sinh tranh chấp tài sản, luật sư Phi nêu quan điểm: “Việc này không có cơ sở pháp lý, vì tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Tài sản của ông C. thuộc sở hữu của riêng người này hoặc cùng vợ theo quy định.
Không có mối quan hệ pháp lý nào giữa vấn đề về hộ khẩu và quyền sở hữu tài sản có thể phát sinh khả năng tranh chấp ở đây để phải phòng tránh khi ông C. mời bố mẹ đến ở cùng.
Mặt khác, trong câu chuyện này không đặt ra vấn đề về “hộ gia đình” để có thể xác định những người có hộ khẩu trong gia đình đó có quyền lợi liên quan đến tài sản của ông C., nên không có khả năng phát sinh tranh chấp tài sản”.