Ngày 30/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đâu tiên lĩnh vực bưu chính có một bản chiến lược phát triển riêng.
Chiến lược xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030, bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.
Phát triển thị trường; Phát triển hạ tầng bưu chính; Tham gia thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số nông nghiệp; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân; Nâng cao thứ hạng quốc gia là 5 nhóm mục tiêu cần đạt trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu theo đánh giá xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).
Về phát triển thị trường, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử tối thiểu 30%; tối thiểu 50 bưu gửi/đầu người/năm. Số dân phục vụ bình quân trên 1 điểm phục vụ bưu chính khoảng 3.700 người và phát triển tối thiểu 3 doanh nghiệp bưu chính lớn dẫn dắt thị trường.
Về phát triển hạ tầng bưu chính, cũng đến năm 2025, cả nước có 27.000 điểm phục vụ bưu chính; 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet; 100% hộ gia đình có địa chỉ số; xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; Phát triển tối thiểu 2 sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên tham gia giao dịch.
Bên cạnh đó, 100% doanh nghiệp bưu chính thực hiện báo cáo trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành bưu chính phục vụ cho việc điều hành phát triển lĩnh vực và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Đối với việc bưu chính tham gia thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số nông nghiệp, theo Chiến lược, đến năm 2025, phấn đấu 100% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu; 100% sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc...
Về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân, mục tiêu đặt ra là mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích, trong đó tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cập. Phấn đấu đến năm 2025, 100% điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng tối thiểu 3 Trung tâm bưu chính vùng, khu vực.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý: Phát triển hạ tầng bưu chính; Phát triển dịch vụ bưu chính; Chuyển đổi số bưu chính; Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bưu chính; Hợp tác quốc tế; và đo lường, giám sát, đánh giá triển khai.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan tổ chức triển khai Chiến lược. Bộ TT&TT cũng chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược.
Vân Anh