Trong dòng người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, chị Đàm Tố Mai (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, chị đưa con gái đang học lớp 3 đi cùng để con hiểu hơn công lao to lớn vì nước, vì dân của Tổng Bí thư.
“Tôi mong con sẽ học được đức tính biết ơn. Con cần biết ơn khi được sống trong một xã hội dân chủ văn minh, biết ơn vì được hưởng một nền giáo dục tiên tiến… Những điều đó có được là nhờ công lao của những người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, chị Mai rưng rưng nói.
Chị Mai chia sẻ, mẹ chị - bà Trần Thị Hằng (huyện Thái Thụy, Thái Bình) dù đang bị đau chân nhưng đã đi xe khách lên Hà Nội từ trưa qua (24/7).
Từ 5h sáng nay, gia đình chị Mai đã có mặt ở đây với mong muốn được vào thắp nhang, bày tỏ tấm lòng thành kính trước Tổng Bí thư. Tới trưa, khi lực lượng an ninh thông báo người dân được vào viếng lúc chiều muộn, gia đình chị đã quyết định ở lại chờ đến giờ viếng.
Cũng với mong muốn con trân trọng công lao của Tổng Bí thư với đất nước, anh Nguyễn Duy Kiên (giáo viên mỹ thuật Trường PTTH Yên Dũng 3, Bắc Giang) đã cùng con trai 5 tuổi dậy từ 4h để bắt xe khách về Hà Nội.
Lúc 6h, bố con anh Kiên đã có mặt ở khu vực cổng Nhà tang lễ Quốc gia để xếp hàng chờ vào viếng.
Anh Kiên chia sẻ: “Tôi cho con đi cùng để cháu hiểu hơn công lao to lớn của Tổng Bí thư trong những năm đổi mới, để Việt Nam có cơ đồ như hôm nay. Tôi mong việc này sẽ giúp con lúc nào cũng hướng về lịch sử, từ đó giáo dục con lòng biết ơn".
Trong dòng người xếp hàng, bà Lê Thiên Sinh (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết mình cùng con trai 13 tuổi và cháu ngoại 7 tuổi đi tàu hỏa lên Hà Nội từ trưa với hy vọng kịp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi cùng chồng và con trai khi đó mới 1 tuổi cũng đi viếng cụ. Lúc ấy, con còn nhỏ, chồng tôi phải bế trên tay.
Tôi cho con, cháu đi viếng Tổng Bí thư là để thế hệ mai sau học được những điều tốt đẹp từ các bậc lãnh đạo. Các con, cháu sẽ nhận thấy những người có công với đất nước được nhân dân yêu quý, tiếc thương nhường nào khi khuất núi, từ đó noi theo”, bà Sinh nói.
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, khi biết tin Tổng Bí thư mất, bà cảm giác hụt hẫng, 2 đêm liền khó ngủ. Vậy nên khi biết thông tin về lễ viếng, gia đình bà đã chia lịch để hôm nay, ngày mai các thành viên lần lượt được đi viếng Tổng Bí thư.
Còn chị Nguyễn Thị Mai Hoa (quê Nam Định) cho biết đã sinh sống, làm việc ở Hà Nội khoảng hơn 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, chứng kiến sự thay đổi của Thủ đô, sự phát triển của đất nước, chị Hoa cảm thấy vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chị Hoa đã xin nghỉ làm 2 ngày để đi viếng Tổng Bí thư. Theo kế hoạch, ngày mai chị sẽ hòa vào dòng người tiễn đưa nhà lãnh đạo cả cuộc đời vì dân vì nước về nơi an nghỉ cuối cùng.
“Bất ngờ hơn, khi tôi nói ra điều này thì cháu trai 12 tuổi cũng đòi đi theo”, chị Hoa nói.
Trong cảm nhận của cháu Trần Hoàng Minh (12 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một người ông với mái tóc bạc trắng, giọng nói ấm áp. Biết phải xếp hàng dài mới đến lượt vào viếng nên Minh đã chuẩn bị sẵn chai nước để chờ đợi.