Trong công cuộc đổi mới, công tác ngoại giao kinh tế về cơ bản đã bám sát nhu cầu trong nước, các định hướng lớn về đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, phức tạp, khó dự đoán, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và các Trưởng Cơ quan đại diện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, đánh giá sâu về các sáng kiến liên kết kinh tế mới, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và kịp thời tìm ra các cơ hội để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy quan hệ với các đối tác, tập đoàn lớn của nước ngoài; tìm kiếm các địa bàn, lĩnh vực và cơ chế mới để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong hai năm qua, công tác ngoại giao kinh tế đã kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang thúc đẩy phục hồi và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các kết quả đất nước đã đạt được 10 tháng của năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, tạo sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn như Việt Nam như nguy cơ suy thoái, rủi ro lạm phát toàn cầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước tình hình đó, Chính phủ đặt kỳ vọng lớn vào công tác ngoại giao kinh tế trong tăng cường công tác tham mưu, đóng góp vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trước bối cảnh đó, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 của Ban Bí thư, các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cùng gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn xác định địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Xác định hỗ trợ địa phương trong xây dựng định hướng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trực tiếp tham dự, phát biểu chỉ đạo, định hướng tại các hội nghị, diễn đàn kinh tế lớn hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, thúc đẩy du lịch sau đại dịch do các đơn vị của Bộ chủ trì.
Bộ phối hợp với 63 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam;” tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng Đề án hợp tác và hội nhập quốc tế thành phố Đà Nẵng đến 2030...
Thành công trong việc đưa vải thiều Lục Ngạn “xuất ngoại” Nhật Bản là một bài học điển hình về sự kếp hợp sáng tạo giữa Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và địa phương. Sau nhiều nỗ lực đàm phán trong 5 năm, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu đặc sản này sang thị trường khó tính này từ mùa vải thiều năm 2020, kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19.
Với phương châm “đột phá-mở đường,” “đồng hành,” “phục vụ,” Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực sự là nhà, địa chỉ tin cậy cho địa phương tìm kiếm, thúc đẩy và kết nối cơ hội hợp tác phát triển.
Lê Hợp, Ngọc Trang, Diệu Bình