Philippines là ví dụ tiêu biểu về một quốc gia thành công trong việc vượt qua những thách thức của sự đa dạng ngôn ngữ và thúc đẩy tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thông qua một chính sách giáo dục mạnh mẽ.
Chính sách Giáo dục Song ngữ (BEP) được thực hiện rất sớm từ đầu những năm 70 của thế kỷ 20, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trình độ tiếng Anh trong khi vẫn bảo tồn tiếng Filipino (ngôn ngữ quốc gia). Được hỗ trợ bởi các cải cách của chính phủ, BEP đã định hình bối cảnh giáo dục của Philippines và cho phép người dân nước này gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Phân loại rõ ràng môn học dạy bằng tiếng Anh
Nền tảng trình độ tiếng Anh của Philippines bắt nguồn từ thời kỳ chịu ảnh hưởng của Mỹ (1898-1946). Trong thời kỳ này, tiếng Anh được đưa vào làm ngôn ngữ hành chính và luật pháp.
Kể từ năm 1901 khi hệ thống giáo dục công được người Mỹ đưa vào áp dụng, tiếng Anh là phương tiện giảng dạy duy nhất ở Philippines. Vào thời điểm quốc gia Đông Nam Á này giành được độc lập (1946), tiếng Anh đã ăn sâu vào hệ thống giáo dục quốc gia.
Năm 1974, chính phủ Philippines ban hành Chương trình Giáo dục Song ngữ (BEP). Đây là một nỗ lực chính thức nhằm thúc đẩy cả tiếng Filipino và tiếng Anh trở thành phương tiện giảng dạy trong trường học. Mục tiêu là đảm bảo học sinh sẽ thành thạo cả hai ngôn ngữ, trang bị cho các em những kỹ năng phát triển cả trong nước và quốc tế.
Theo nhà nghiên cứu Ruanni Tupas và Beatriz P. Lorente, BEP được công nhận là một trong những thử nghiệm giáo dục song ngữ toàn diện sớm nhất trên thế giới. Cấu trúc của BEP dựa trên việc sử dụng song song tiếng Philippines và tiếng Anh trong các môn học cụ thể. Việc phân loại này cho phép học sinh tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ.
Tiếng Anh được sử dụng làm phương tiện giảng dạy trong các môn học như: Toán học, Khoa học, Công nghệ, Văn học và ngôn ngữ Anh. Trong khi đó, tiếng Filipino được dùng để giảng dạy: Nghiên cứu xã hội, Lịch sử Philippines và Văn học - Ngôn ngữ Philippines.
Sự phân định rõ ràng giữa các môn học này đảm bảo học sinh luôn được học cả hai ngôn ngữ, phát triển trình độ tiếng Anh trong khi vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ và bản sắc dân tộc. Đáng chú ý là tiếng Anh được giảng dạy trong các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học, hướng tới phù hợp với các tiêu chuẩn kinh doanh, công nghệ và khoa học toàn cầu.
BEP được áp dụng trong toàn bộ hệ thống giáo dục, bắt đầu từ cấp tiểu học cho đến giáo dục đại học.
Ở các trường tiểu học, tiếng Filipino ban đầu chiếm ưu thế nhưng tiếng Anh được đưa vào giảng dạy ngay từ lớp 1 và trở thành phương tiện giảng dạy các môn học chính như Khoa học và Toán học. Khi học sinh lên trung học, tiếng Anh ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt trong các môn kỹ thuật.
Ở các trường đại học và cao đẳng, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong hầu hết các môn học, nhiều nhất trong các lĩnh vực chuyên môn như kỹ thuật, y khoa và luật. Trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ đạt đến trình độ có thể cạnh tranh quốc tế.
Chính sách không ngừng được phát triển
Kể từ năm 2009, sắc lệnh mới Giáo dục Đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (MTB-MLE) đã được thể chế hóa ở Philippines, thay thế cho Chính sách Giáo dục Song ngữ (BEP).
Lý do đằng sau sự thay đổi này là nhận thức rằng các ngôn ngữ mẹ đẻ hay các ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong cộng đồng có hiệu quả hơn trong giai đoạn giáo dục sớm.
Trên thực tế, Philippines có khoảng 120-187 ngôn ngữ, bao gồm nhiều ngôn ngữ bản địa. Cách tiếp cận mới này khuyến nghị rằng trẻ em học tốt nhất bằng ngôn ngữ mà chúng hiểu, đặc biệt là trong những năm đầu đời và sau đó có thể chuyển tiếp dễ dàng hơn sang tiếng Filipino và tiếng Anh.
Chính sách mới này là một sự bổ trợ cho BEP. Trong khi BEP đã liên kết về mặt chính trị và văn hóa 2 ngôn ngữ này với việc xây dựng bản sắc dân tộc và thành công trong giáo dục thì cách tiếp cận MTB-MLE nhấn mạnh sự đa dạng ngôn ngữ, thừa nhận rằng Philippines là quê hương của nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau.
Sự thay đổi này nhằm cải thiện khả năng đọc viết và nhận thức sớm, đặc biệt với học sinh ở nông thôn có thể chưa thông thạo tiếng Filipino hoặc tiếng Anh khi mới vào trường.
Thay đổi này đại diện cho một sự phát triển chính sách rộng lớn hơn ở Philippines, tập trung vào sự hòa nhập, đa dạng và đáp ứng nhu cầu giáo dục của tất cả các cộng đồng ngôn ngữ.
Nền tảng vẫn là ngôn ngữ mẹ đẻ
Chính sách Giáo dục Song ngữ (BEP) và đa ngôn ngữ sau này (MTB-MLE) tại Philippines đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái định hình nền giáo dục của quốc đảo và thúc đẩy bản sắc dân tộc.
BEP đã trang bị cho người dân trình độ tiếng Anh thông thạo trong khi vẫn duy trì tiếng Filipino là ngôn ngữ quốc gia.
Trong bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố bởi Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First, Philippines xếp thứ 20 toàn cầu và được đánh giá ở mức “thông thạo cao”. Quốc gia này chỉ xếp sau Singapore tại khu vực châu Á và ở vị trí cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu.
Ngoài ra, BEP đã thành công trong việc thúc đẩy sự thống nhất của ngôn ngữ quốc gia, góp phần đưa tiếng Filipino vào gắn kết văn hóa. Bằng cách đảm bảo tiếng Filipino được dạy song song với tiếng Anh, chính sách này đã giúp bảo tồn và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và bản sắc chung.
Từ câu chuyện thành công của Philippines, dưới đây là một số bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đang cân nhắc triển khai chính sách giáo dục song ngữ:
Trước tiên, việc bắt đầu giáo dục bằng ngôn ngữ địa phương hoặc tiếng mẹ đẻ là rất quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho các kỹ năng cơ bản. Cách tiếp cận này hỗ trợ sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ, giúp học sinh dễ dàng chuyển sang học các ngôn ngữ bổ sung sau này.
Thứ hai, việc tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, trong khi vẫn bắt đầu với ngôn ngữ địa phương tạo điều kiện cho sự chuyển tiếp dễ dàng hơn đến khả năng song ngữ hoàn chỉnh.
Thứ ba, đầu tư vào đào tạo giáo viên toàn diện cũng mang tính quyết định cho sự thành công của bất kỳ chính sách giáo dục song ngữ nào. Giáo viên phải thành thạo cả ngôn ngữ địa phương và tiếng Anh để cung cấp bài giảng chất lượng cao và hỗ trợ học sinh hiệu quả trong cả hai ngôn ngữ.
Thêm vào đó, việc giải quyết sự khác biệt giữa các khu vực (thành thị-nông thôn) bằng cách đảm bảo rằng các nguồn lực và hỗ trợ được phân bổ đồng đều giúp ngăn ngừa sự bất bình đẳng và đảm bảo cơ hội cho tất cả học sinh.