Mới đây, trong Kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là việc dù khó nhưng sớm muộn vẫn phải thực hiện.
“Cách đây gần chục năm, từng có một số đề xuất của các lãnh đạo cấp Bộ về vấn đề đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Những ý kiến ấy xuất phát từ thực tế hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu, cần thiết để hội nhập. Mặt khác, Việt Nam là thành viên của cộng đồng ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp chung trong khối cũng là tiếng Anh. Do đó, việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, sau đó của đất nước là điều trước sau gì cũng phải làm”.
Tuy nhiên, theo ông Thuyết, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của đất nước không thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà do Hiến pháp quy định. Còn việc xây dựng và thực hiện chiến lược từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Điều 11 Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.
Theo ông, ở Việt Nam, điều khó khăn là không nhiều người sử dụng tiếng Anh. Do đó để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cũng cần một quá trình lâu dài và phải có kế hoạch thực hiện cụ thể, thực tế.
“Có một số vấn đề cần làm rõ như: Thế nào là ngôn ngữ thứ hai? Ngôn ngữ thứ hai có chức năng gì? Đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, việc học tiếng mẹ đẻ là học ngôn ngữ thứ mấy?... Những điều này cần cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật”.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 72 năm 2014 về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường. Ông Thuyết cho rằng nên rà soát để sửa đổi, bổ sung Quyết định này cho phù hợp với Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, chẳng hạn thay vì quy định dạy và học một số môn học bằng ngoại ngữ có thể sửa đổi thành dạy và học một số môn học bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, các cơ quan quản lý cần xác định việc dạy, học bằng tiếng Anh ở cấp học hoặc trình độ đào tạo nào trước, ngành hoặc khu vực nào trước.
“Theo tôi, trước mắt nên xây dựng hai chương trình dạy học: chương trình dạy, học tất cả các môn bằng tiếng Việt và chương trình dạy, học một số môn học (như Toán, các môn khoa học tự nhiên và công nghệ,…) bằng tiếng Anh, những môn còn lại bằng tiếng Việt. Triển khai chương trình nào trên địa bàn là do chính quyền địa phương quyết định. Ở những địa bàn có cả 2 mô hình, học sinh được lựa chọn chương trình thích hợp. Trong trường hợp trên địa bàn không có chương trình dạy, học một số môn học bằng tiếng Anh, học sinh được phép vào học ở những trường thuộc địa bàn khác có chương trình đó.
Cùng ở miền núi, một số trường thành phố có thể dạy, học một số môn nhất định bằng tiếng Anh. Những vùng sâu vùng xa có thể chưa thực hiện được ngay, nhưng cần phải có lộ trình từng bước bài bản, không thể bằng lòng giậm chân tại chỗ, nói là “từng bước” nhưng không bước được bước nào.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có quy định về việc kiểm tra, đánh giá và giá trị của việc kiểm tra, đánh giá các môn học bằng tiếng Anh”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), cho rằng đây là quan điểm đúng đắn, nhưng cũng rất khó khăn, cần quá trình lâu dài và phải thực hiện “từng bước” như trong kết luận của Bộ Chính trị đã nêu.
“Trong bối cảnh hiện nay, sẽ cần nhiều thời gian để hiện thực hóa việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại các trường học trên cả nước, bởi việc này còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức”, cô Phượng nói.
Theo cô Phượng, cần phân biệt khái niệm “ngoại ngữ" (foreign language) và “ngôn ngữ thứ hai" (second language). Với học sinh vùng đồng bào dân tộc ít người, các em thường nói tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ đầu tiên, sau đó đến tiếng Việt là ngôn ngữ tiếp theo và tiếng Anh được coi như là ngoại ngữ. Với trẻ vùng biên giới, nhiều em có thể nói được tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt, tiếng nước bạn và tiếng Anh cũng là một ngoại ngữ…
Do vậy theo cô Phượng, để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ rất khó khăn, đặc biệt ở các vùng có điều kiện kinh tế chưa phát triển. Hơn nữa, tiếng Anh hiện tại không phải là ngoại ngữ duy nhất trong trường học, do vậy các em sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
Là giáo viên tiếng Anh trực tiếp đứng lớp ở một ngôi trường miền núi, thời gian gần đây, cô Phượng cảm nhận rất rõ “hệ quả” của việc tiếng Anh không phải môn bắt buộc trong tuyển sinh đầu cấp.
“Với tâm lý thi gì học nấy, nếu không thi, học sinh có thể bỏ qua luôn hoặc học đối phó môn học này, đặc biệt là với học sinh miền núi. Các em không có hứng thú, động lực học nên rất khó để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Khoảng cách giữa miền núi và thành thị vì thế cũng ngày càng giãn xa về ngoại ngữ”.
Do đó, theo cô Phượng, để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, các địa phương cần phải xây dựng phong trào học tập; Bộ, Sở thay đổi cách kiểm tra, đánh giá và đưa môn tiếng Anh vào trong các kỳ thi đầu cấp. Bằng việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sẽ thay đổi được cách dạy và học.
Ngoài ra, cô Phượng cũng cho rằng cấu trúc bài thi cần được chú ý, nên cân bằng về kỹ năng tiếng Anh và kiến thức ngôn ngữ. Các trường học cần được đầu tư cơ sở vật chất máy móc hiện đại, để giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, chẳng hạn học sinh có thể thi cả 4 kỹ năng trên hệ thống máy tính, dùng trí tuệ nhân tạo chấm thay cho giáo viên kỹ năng nói và nghe. Điều này sẽ hạn chế việc học sinh học tiếng Anh nhưng mãi vẫn không nghe/nói được.
Bên cạnh đó, nữ giáo viên cho rằng các trường cũng nên xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh thông qua nhiều hoạt động gắn với văn hoá vùng miền. Chẳng hạn, trong chương trình học, cô Phượng thường cho học sinh làm các dự án, trong đó có dự án “Tớ là dân tộc Mường” với các nội dung liên quan tới bảo tồn văn hoá Mường.
Học sinh sẽ làm các tập radio phát sóng song ngữ TV- TA trên các nền tảng mà giới trẻ hay nghe như Spotify, Apple Podcast, qua đó các em cũng được kết nối với những người bạn nước ngoài để lan toả văn hoá Mường tới bạn bè thế giới. Bằng những cách thức ấy, theo cô Phượng, học sinh sẽ cảm thấy tiếng Anh không xa vời, hoà nhập, nhưng không hoà tan.