Được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 1/8, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới (hệ thống e-GP) có nhiều điểm thay đổi so với hệ thống hiện tại, chạy được trên nhiều trình duyệt và đáp ứng mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu cũng như thực hiện đấu thầu qua mạng, trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Ngày 1/8 cũng là thời điểm Thông tư 08 được Bộ KH&ĐT ban hành ngày 31/5/2022 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có hiệu lực thi hành.
Để hoạt động đấu thầu, mua sắm công không bị gián đoạn sau mốc thời gian quan trọng này, từ ngày 1/7, hệ thống mới yêu cầu các bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở đào tạo chính thức thực hiện chuyển đổi tài khoản của mình từ hệ thống hiện tại sang hệ thống mới.
Hệ thống mới được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ” theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Bộ KH&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo và phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Hệ thống thông tin FPT và doanh nghiệp dự án là Công ty Đầu tư và Phát triển hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện.
Được thiết kế, phát triển với 11 phân hệ thành phần, hệ thống mới hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công, đấu thầu điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng và kết nối với Kho bạc Nhà nước để nhận và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.
Sẵn sàng trước giai đoạn vận hành hệ thống mới, Bộ KH&ĐT đã có thông báo tới các bên mời thầu, nhà thầu và cơ sở đào tạo về việc chuyển đổi tài khoản đăng ký từ hệ thống hiện tại sang hệ thống mới kể từ ngày 1/7.
Bộ KH&ĐT đã có thông báo tới các bên mời thầu, nhà thầu và cơ sở đào tạo về việc chuyển đổi tài khoản đăng ký từ hệ thống hiện tại sang hệ thống mới từ ngày 1/7 đến ngày 1/8. |
Công tác chuyển đổi dự kiến diễn ra trong vòng 1 tháng, hướng tới việc đảm bảo chuẩn hóa, cập nhật, làm sạch thông tin tài khoản, gộp các tài khoản trùng lặp trên hệ thống hiện tại.
Theo đó, trong tháng 7, các bên liên quan cần thực hiện chuyển đổi toàn bộ các tài khoản bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở đào tạo đã được phê duyệt trên Hệ thống hiện tại sang hệ thống mới để sẵn sàng cho việc vận hành chính thức bắt đầu từ 1/8/2022.
Giai đoạn từ ngày 1/8 trở đi, các bên mời thầu, nhà thầu đã đăng ký nhưng chưa được phê duyệt trên hệ thống hiện tại, sẽ phải thực hiện đăng ký lại trên hệ thống mới để được kiểm tra hồ sơ đăng ký và phê duyệt.
Việc chuyển đổi tài khoản sẽ dành cho 3 nhóm đối tượng chính, bao gồm: Bên mời thầu, cần chuyển đổi thông tin tài khoản, thông tin đấu thầu và thông tin về lựa chọn nhà đầu tư; nhà thầu, thực hiện chuyển đổi thông tin về tài khoản, thông tin các khoản nợ chi phí nhà thầu, thông tin về hồ sơ năng lực kinh nghiệm; các cơ sở đào tạo, cần chuyển đổi cơ sở đào tạo và danh sách học viên của cơ sở đào tạo sang hệ thống mới.
Để hỗ trợ các bên liên quan có thể nhanh chóng nắm bắt và thực hiện việc chuyển đổi một cách dễ dàng, thuận tiện, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT hướng dẫn rõ quy trình chuyển đổi gồm 2 bước chính: Các cơ quan và đơn vị sẽ nhận thông tin chuyển đổi tài khoản từ hệ thống hiện tại sang hệ thống mới qua email của người đại diện pháp luật và người phụ trách nghiệp vụ đấu thầu; Các cơ quan, đơn vị truy cập vào trang muasamcong.gov.vn để kiểm tra và cập nhật thông tin tài khoản, sau đó in phiếu rồi xác nhận thông tin, ký, đóng dấu và gửi bản scan trên Hệ thống mới (không cần gửi bản cứng). Trong vòng 2 ngày làm việc, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia kiểm tra và xác nhận hoàn thành chuyển đổi tài khoản của cơ quan, đơn vị trên Hệ thống mới.
Vân Anh
"Ưu tiên đầu tư công trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số để phục hồi kinh tế"
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết, chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.