Theo hãng thông tấn Tass, nghị quyết bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn của các nhà lập pháp Đức tối 17/1, với 485 phiếu chống và chỉ 178 phiếu ủng hộ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện sẽ là người có quyền quyết định cuối cùng về việc có gửi tên lửa Taurus cho Ukraine hay không.
Tên lửa Taurus do Đức sản xuất có tầm bắn khoảng 500km và có thể mang đầu đạn nặng gần 500kg. Ông Scholz trước đây từng từ chối viện trợ tên lửa này vì lo ngại có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn bằng cách đưa lãnh thổ Nga vào tầm tấn công của Kiev.
Marie-Agnes Strack-Zimmerman, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức đổ lỗi việc nghị quyết không “qua cửa” cơ quan lập pháp do “chiêu trò” đảng phái. Bà Strack-Zimmerman cho rằng, bằng cách liên kết đề xuất tên lửa với một cuộc tranh luận về tình trạng quân đội Đức, liên minh đối lập CDU/CSU đang cố gắng “thực hiện một chiêu trò PR vụng về”.
Ukraine tụt bậc xếp hạng "hỏa lực toàn cầu"
Đài RT đưa tin, Ukraine đã tụt xuống vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng về chỉ số Hỏa lực toàn cầu (GFP), so với vị trí thứ 15 vào mùa hè năm ngoái, trước khi nước này bắt đầu chiến dịch phản công quân Nga.
Cụ thể, bảng cập nhật GFP gần đây nhất cho thấy Ukraine có điểm đánh giá là 0,2598. Theo các so sánh, Ukraine không thuận lợi so với Nga ở mọi hạng mục ngoại trừ địa lý, mặc dù trang xếp hạng GFP không giải thích họ đánh giá điều đó như thế nào.
Vào cuối tháng 5/2023, Ukraine từng giữ vị trí thứ 15 với số điểm 0,2516. GFP cho biết, thứ hạng này một phần nhờ “sự hỗ trợ tài chính và vật chất từ phương Tây”. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 12 cùng năm, Kiev đã nhận được các khoản viện trợ trị giá hơn 200 tỷ USD từ Mỹ và các đồng minh.
GFP đã đưa ra báo cáo thường niên kể từ năm 2006, xếp hạng 145 quốc gia trên thế giới theo “khả năng tham chiến trên đất liền, trên biển và trên không bằng các phương tiện chiến đấu thông thường”. Công thức đánh giá bao gồm cả việc xem xét hơn 60 yếu tố riêng lẻ về “nhân lực, thiết bị, tài nguyên thiên nhiên, tài chính và địa lý”, với 0 là điểm hoàn hảo về mặt lý thuyết. Nhiều tiêu chí dựa trên dữ liệu trong cuốn Thông tin niên giám về các nước trên thế giới của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
GFP hiện đánh giá Nga đạt mức 0,0702, xếp thứ 2 trên thế giới sau Mỹ ở mức 0,0699.