Đức vừa giới thiệu ứng dụng truy vết Covid-19 hôm 16/6, khẳng định nó an toàn tới mức các Bộ trưởng cũng có thể sử dụng.
Ứng dụng smartphone là được trọng dụng trong nỗ lực tìm kiếm những ca nghi nhiễm Covid-19. Các chuyên gia cho biết tìm ca nhiễm mới nhanh chóng là chìa khóa để dập dịch, đặc biệt khi một số quốc gia dần mở cửa trở lại và muốn tránh làn sóng Covid-19 thứ hai.
Dù vậy, chính phủ tại châu Âu phải vượt qua nhiều trở ngại về văn hóa và pháp lý khi xây dựng những phần mềm truy vết như vậy. Tại Đức, quyền sở hữu dữ liệu riêng của một người sau khi chết còn được thể hiện trong hiến pháp. Ban đầu, chính phủ bị phản đối khi gợi ý kết hợp thông tin từ tháp di động và GPS trong ứng dụng.
Frederick Richter, người đứng đầu tổ chức Foundation for Data Protection, cho rằng theo dõi một người theo thời gian thực gợi nhớ đến Trung Quốc và hệ thống giám sát của họ. Ngoài ra, nó còn khiến người ta liên tưởng tới chế độ độc tài trong quá khứ. Đó là lý do vì sao thu thập thông tin công dân luôn là vấn đề vô cùng nhạy cảm tại đây.
Cũng như các ứng dụng truy vết của châu Âu khác, “Corona-Warn-App” của Đức dựa vào công nghệ Bluetooth, công nghệ phổ biến trên smartphone. Ứng dụng quét tín hiệu xung quanh người dùng và lưu lại smartphone nào gần đó, thời gian bao lâu. Nếu người dùng “Corona-Warn-App” dương tính với Covid-19, họ có thể thông báo với người khác về nguy cơ lây nhiễm.
Theo các nhà phát triển, thử nghiệm gần đây xác định chính xác 80% liên hệ của người dùng và vẫn còn 20% bỏ ngỏ. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận ứng dụng không phải là giải pháp cho tất cả mọi chuyện và người dân vẫn cần đeo khẩu trang cũng như các biện pháp truy vết thông thường. Song, nó vẫn là công cụ quan trọng trong khống chế dịch bệnh. Ứng dụng có thể dẫn tới nhiều người muốn được xét nghiệm hơn nhưng theo ông Spahn, thà xét nghiệm nhiều còn hơn ít.
Chính phủ Đức nhấn mạnh việc cài và sử dụng ứng dụng là tự nguyện. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết “Corona-Warn-App” đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cho quan chức cao cấp. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và vợ thông báo đang dùng ứng dụng.
Bên cạnh đó, chi phí phát triển ứng dụng là 20 triệu EUR và cần 2,5 tới 3,5 triệu EUR để duy trì hoạt động mỗi tháng. Nó có tiếng Đức và tiếng Anh, sắp bổ sung tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và ngôn ngữ khác. Khảo sát của đài truyền hình ARD đầu tháng này cho thấy 42% người Đức nói sẽ dùng ứng dụng.
Du Lam (Theo AP)
Ứng dụng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ truy vết của Apple và Google
Thụy Sỹ là nước đầu tiên thử nghiệm ứng dụng truy vết Covid-19 sử dụng công nghệ do Apple và Google phát triển.