Klaus Muller, Chủ tịch Cơ quan mạng lưới liên bang (GFNA) chuyên trách điều hành các hệ thống năng lượng quốc gia Đức đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Bild am Sonntag, đăng tải ngày 17/7.
Theo ông Muller, dù các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đạt gần 65% công suất tối đa và đã được cải thiện hơn so với những tuần trước, nhưng số lượng đó vẫn không đủ dùng cho nước Đức qua mùa đông năm nay nếu không được mua bổ sung từ Nga. Quan chức này nói thêm, tình hình hiện chủ yếu phụ thuộc vào việc liệu hoạt động bảo trì tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có hoàn tất đúng dự kiến vào ngày 21/7 tới hay không.
Khi được hỏi còn bao lâu trước khi người tiêu dùng tại Đức phải chi trả mức giá năng lượng tăng cao hơn nữa, trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn các nguồn cung khí đốt, ông Muller nói hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Song, lãnh đạo GFNA trấn an rằng "sẽ không có bất kỳ sự tăng giá nào trong tuần này, ngay cả khi hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 ngưng hoạt động".
Ông Muller nhận định, điều này dường như là một tính hiệu cho thấy các thị trường đã thích nghi với tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ xứ sở bạch dương.
Quan chức này nhấn mạnh, người dân Đức không cần hoảng sợ vì các hộ gia đình sẽ tiếp tục được cung cấp khí đốt trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với các ngành công nghiệp. Hơn thế nữa, Đức đang không phải đối mặt với bất kỳ viễn cảnh nào hoàn toàn không có khí đốt.
Ông Muller giải thích, ngay cả khi Nga cắt toàn bộ nguồn cung, những nước khác như Na Uy, Hà Lan và Bỉ vẫn sẽ bán nhiên liệu hóa thạch cho Đức. Trong tương lai, các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng của chính quốc gia này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Chủ tịch GFNA tiên lượng Đức sẽ đối mặt với 2 mùa đông khó khăn ở phía trước do nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt, nhưng vào mùa hè năm 2024, nước này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc dùng khí đốt của Nga.
Tuấn Anh