Nữ bệnh nhân chuyển giới 36 tuổi, được giữ kín danh tính đã trải qua ca phẫu thuật tạo hình đặc biệt do bác sĩ Alvaro Rodriguez tiến hành tại một bệnh viện ở Valle del Cauca thuộc thành phố Cali, phía tây Colombia. Truyền thông địa phương đưa tin, ca phẫu thuật phức tạp kéo dài 2 tiếng đồng hồ và là đầu tiên dạng này ở quốc gia Nam Mỹ.
Da cá rô phi được dùng để tạo hình ống âm đạo cho bệnh nhân chuyển giới nữ. Ảnh: Carters |
Trong quá trình phẫu thuật, nhóm của bác sĩ Rodriguez đã cấy ghép một ống âm đạo làm từ da cá rô, có chiều dài 18cm và đường kính 4cm để tạo hình cơ quan sinh dục cho bệnh nhân chuyển giới.
Theo hãng thông tấn CEN, ca phẫu thuật tạm thời được đánh giá là thành công. Bệnh nhân vẫn phải nằm viện 24 tiếng đồng hồ sau đó và đòi hỏi theo dõi y tế nghiêm ngặt suốt 2 tháng tiếp theo. Sau khoảng thời gian này, cô mới giảm tần suất đến bác sĩ kiểm tra xuống còn một lần mỗi tháng.
Phát biểu trước báo giới, chuyên gia phẫu thuật Rodriguez cho hay, da cá rô phi đang trở thành một vật liệu hữu ích giúp tạo ra các bộ phận giả sinh học và đóng vai trò như niêm mạc tự nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh da cá rô phi giàu độ ẩm và collagen loại 1, một loại protein giúp chữa lành vết thương hiệu quả. Bên cạnh đó, da cá rô phi cũng có khả năng kháng bệnh, khỏe và đàn hồi tốt như da người.
Việc sử dụng da cá cũng giúp vết thương liền nhanh hơn mà ít để lại sẹo rõ ràng, tỉ lệ hoại tử do nhiễm trùng cũng thấp hơn.
Bác sĩ Rodriguez nhấn mạnh, mùi tanh đặc trưng của da cá sẽ sớm biến mất nhờ việc khử trùng kỹ lưỡng cũng như biện pháp điều trị đang áp dụng đối với bệnh nhân. Ca phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục bằng da cá rô phi như thế này được đánh giá là rẻ hơn và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn so với các kỹ thuật truyền thống trước kia, chẳng hạn như tái tạo âm đạo bằng da ghép từ đùi.
Một bệnh nhân bỏng nặng được ghép da cá rô phi để điều trị. Ảnh: Carters |
Không chỉ giúp ích cho các phụ nữ chuyển giới, da cá rô phi còn được dùng cấy ghép chữa trị cho những bệnh nhân bị bỏng nặng. Phương pháp này cũng được áp dụng cho các bệnh nhân mang bệnh ung thư hoặc các rối loạn bẩm sinh như hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH), khiến bệnh nhân không có âm đạo hoặc hầu hết các cơ quan sinh sản.
MRKH là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện với tỉ lệ gần 1/5.000 ở những bé gái mới sinh. Tháng 4/2017, Jucilene Marinho, một người mắc MRKH đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được tái tạo ống âm đạo bằng da cá tại Brazil.
Tuấn Anh