Armenia và Azerbaijan, hai nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, đã đổ lỗi cho nhau về xung đột tái bùng phát vào ngày 13/9 tại một số điểm dọc biên giới chung, làm dấy lên lo ngại một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn sẽ xảy ra, giữa lúc quân đội Nga đang triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo hãng tin AP và Reuters, Armenia và Azerbaijan đã mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài cả thập niên, liên quan tới Nagano-Karabakh - khu vực được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng chịu sự kiểm soát của lực lượng thiểu số Armenia và được Armenia hậu thuẫn sau khi cuộc chiến ly khai kết thúc vào năm 1994.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã kêu gọi hai nước kiềm chế để tránh leo thang thêm. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tổng thống Putin đang nỗ lực giúp hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Armenia và Azerbaijan".
Moscow đã cố duy trì sự cân bằng để duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nga giữ quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Armenia đồng thời phát triển hợp tác chặt chẽ với quốc gia giàu dầu mỏ Azerbaijan. Nga hiện duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở vùng xung đột giữa hai quốc gia này với tư cách là nước bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan cách đây hai năm.
Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi hai nước bình tĩnh. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Armenia và Azerbaijan thực hiện ngay các bước cần thiết để giảm căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết bất cứ vấn đề nào còn tồn đọng thông qua đối thoại, thực thi các thỏa thuận trước.
Theo kế hoạch, hôm nay (14/9) Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp kín về xung đột tái bùng phát ở biên giới Armenia và Azerbaijan.
Armenia cáo buộc Azerbaijan nã pháo vào các thị trấn của nước này ở gần biên giới, gồm Jermuk, Goris và Kapan, buộc họ phải đáp trả. Trong khi đó, Baku (Azerbaijan) lại buộc tội các đơn vị của Armenia tìm cách gài mìn ở các vị trí của nước này và khai hỏa các vũ khí hạng nặng, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó.
Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) hôm qua cho biết, sẽ cử một phái đoàn tới Armenia để báo cáo về tình hình ở phía nam nước này và đề xuất một giải pháp nhằm giải quyết căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan. Phái đoàn của CSTO do Tổng thư ký Stanislav Zas dẫn đầu và gồm cả Tướng Nga Anatoly Sidorov, trưởng ban tham mưu của khối.