Việc phát triển game indie luôn đi kèm với nhiều hi sinh. Đó có thể là sự hi sinh về thời gian, công việc chính hoặc đơn giản hơn là những giấc ngủ và mối quan hệ xã hội. Các nhà làm game indie trên thế giới đều hiểu điều này và họ sẵn sàng gạt bỏ nhiều điều để đạt được mục đích của mình. Với cặp vợ chồng Calvin Goble và Alix Stolzer, những người làm nên studio RobotLovesKitty, điều đó đồng nghĩa với việc bán căn hộ ở Manhattan và chuyển tới sống tại một căn nhà trên cây tại Vermont.
Trước đó, Stolzer là người duy nhất kiếm tiền cho gia đình, sau khi người chồng Goble bỏ công việc có lương rất tốt trong ngành công nghệ thông tin để tập trung phát triển game. Năm 2006, Goble bắt đầu phát triển Neverdaunt, một tựa game MMO 8-bit, và hứa hẹn với vợ là anh chỉ cần một năm để hoàn thành nó. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như những gì họ mong đợi. Khi đó, Stolzer chưa nhận ra niềm đam mê với việc làm game của mình. Nhưng không lâu sau, cô đã tìm thấy sự hứng thú và yêu thích khi được phát triển một tựa game cùng với chồng. Cuối cùng, Stolzer đưa ra một đề nghị: Chồng cô chỉ được phép làm game nếu cô cũng bỏ việc để làm cùng với anh.Với những người gắn liền với thế giới công nghệ như cặp vợ chồng này, việc từ bỏ mọi tiện ích của thế giới hiện đại để tới một nơi thiếu thốn và hẻo lánh có vẻ là một điều rất khó hiểu. Nhưng vào năm 2011, họ đã chuyển tới ngôi nhà trên cây rộng 32 mét vuông và cách mặt đất 3m. Ngôi nhà này hết sức khiêm tốn, chỉ có một chiếc giường tầng và một chỗ đặt ghế ngồi. Thậm chí ngôi nhà này còn không có mái và tường bằng gỗ hay gạch, che chắn cho nội thất chỉ là các lớp nilon dày và trong suốt. Đó là nơi ở và làm việc của studio RobotLovesKitty trong suốt hai năm. Lấy điện từ các tấm pin mặt trời và phải dựa vào kết nối mạng 4G, hai năm sống trên nhà cây chính là thời gian cặp vợ chồng này tìm ra con đường mình muốn và xây dựng nên sự nghiệp trong ngành phát triển game chuyên nghiệp.
Mẹ của Stolzer là người duy nhất ủng hộ quyết định này. Theo họ, đó là một thử nghiệm trong điều kiện tiết kiệm chi phí hết mức. Khi bắt đầu xây dựng ngôi nhà trên cây, họ chỉ có khoảng 10 nghìn USD. Các món đồ như pin mặt trời đều được tìm kiếm và sử dụng lại, thay vì mua mới toàn bộ. Vấn đề lớn nhất chính là việc sinh tồn trong môi trường hoang dã. Phần việc này chiếm tới 40% thời gian của đôi vợ chồng, do vậy họ phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành công việc phát triển game theo đúng kế hoạch. Vào thời điểm này, Neverdaunt đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Goble về mặt tài chính, do vậy anh buộc phải tạm đóng cửa hệ thống server của game. Sau khi thông báo cho một người bạn về tình hình tài chính khó khăn của mình, Goble, Stolzer và hai chú mèo đã tạm biệt cuộc sống thành thị và bắt đầu chuyển tới nơi hoang dã để theo đuổi niềm đam mê của mình. Những người thân của họ đã rất bất ngờ, đặc biệt là khi cặp vợ chồng này tới sinh sống tại một vùng rừng núi có rất nhiều gấu.
Sự chú ý và kính trọng của cộng đồng đối với RobotLovesKitty tăng lên theo thời gian. Sau những buổi theo dõi người chơi thử nghiệm Legend of Dungeon, Stolzer và Goble đã tổ chức hai buổi chơi game với tên gọi "Indie Supershows" trên Twitch. Tại đó, hai vợ chồng chơi các tựa game indie bên cạnh các nhà phát triển chúng. Buổi trình chiếu đầu tiên thu hút gần 40 nghìn người xem trong vòng 24 giờ đồng hồ, trong khi buổi thứ hai đã có tới hơn nửa triệu người xem chỉ trong hai ngày.Sau mọi khó khăn, công việc của họ đã hoàn tất. Dự án game của RobotLovesKitty được đưa lên Kickstarter với mức tiền dự kiến thu hút được chỉ là 5.000 USD. Nhưng con số cuối cùng họ nhận được đã lên tới 33 nghìn USD, nhờ đó tựa game Legend of Dungeon đã ra rời. Hiện tại, tựa game này đã được thông qua trên chương trình Green Light của Steam và việc phát triển đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người đóng góp trên Kickstarter. Một số ý tưởng hay nhất trong game đã được đưa ra bởi những người ủng hộ của họ.
Sau thành công này, Goble và Stolzer vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm game với rất nhiều dự định mới. Theo họ, việc phát triển game chính là một phần gắn liền với cuộc sống của hai vợ chồng. Đây chính là sợi dây gắn kết hai người và tiếp thêm lửa cho niềm đam mê của họ. Upsilon Circuit, dự án tiếp theo của RobotLovesKitty, lấy ý tưởng về sự tương tác của cộng đồng và đẩy nó lên một nấc mới, đồng thời kết hợp với mong muốn về sự cẩn trọng của người chơi trong game. Điều đó có nghĩa là mỗi game thủ chỉ có một cơ hội để chơi tựa game này và nếu nhân vật của họ thiệt mạng, trò chơi cũng sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Tại PAX 2014, Upsilon Circuit đã nhận được rất nhiều sự khen ngợi từ cộng đồng người chơi và các nhà phát triển khác.
Theo gamethu