Để xác định phanh tay có thể thay thế cho phanh chân để dừng xe hay không? Trước tiên, người dùng cần phải hiểu được cấu tạo của loại phanh này.
Phanh tay trên xe ô tô có tên gọi như vậy bởi người Việt trong quá khứ tiếp xúc bộ phận này thường được hướng dẫn dùng tay để kéo. Thực tế, loại phanh này còn gọi là phanh đỗ do có tác dụng hỗ trợ khi đỗ xe nơi đường dốc.
Ngày nay, ô tô hiện đại hơn và "phanh tay" được thể hiện thêm ở dạng cần gạt, tay kéo nằm ở gần vô lăng, bàn đạp phía bên trái gần chỗ nghỉ chân, nút ấn và được chia làm 2 loại: Cơ khí truyền thống và điện tử.
Trong đó, phanh tay cơ khí truyền thống gồm có một dây cáp kết nối với hai bánh sau. Khi kéo phanh tay, dây cáp này sẽ biến lực kéo thành lực ép má phanh sau của xe (phanh đĩa) hoặc guốc phanh (với phanh tang trống) để giữ xe cố định tại chỗ.
Phanh tay điện tử ra đời sau và ngày càng phổ biến trên những dòng xe mới với cấu tạo gồm bộ chấp hành mô-tơ điện một chiều được gắn ở hai bánh sau, hộp điều khiển phanh EPB (Electronic Parking Brake) và công tắc phanh tay. Phanh tay điện tử được nhận biết qua ký hiệu chữ P trong vòng tròn được in trên công tắc đặt gần cần số hoặc bảng táp lô.
Khi kích hoạt phanh tay điện tử, tín hiệu truyền xuống mô-tơ điện thông qua hộp điều khiển để má phanh sau đóng lại giúp dừng xe. Đặc biệt, phanh tay điện tử có thể tự nhả phanh khi người lái vào số D, số R hoặc nhấn vào chân ga nhằm tránh tình trạng bó phanh khi người lái quên nhả phanh tay.
Ở một số loại xe, phanh tay điện tử hoạt động thông qua mô-tơ điện trên guốc phanh, được tích hợp trong một trống phanh nhỏ hơn riêng biệt ở phía bên trong của đĩa phanh sau và cũng cung cấp chức năng giữ hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Chia sẻ với VietNamnet, kỹ sư ô tô Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Hà Nội) cho biết: "Hệ thống phanh tay dù là cơ khí truyền thống hay điện tử sẽ không bao giờ có thể dừng xe tốt hoặc ổn định như phanh chân vì phanh chân sẽ tác động lực lên cả phanh trước và sau."
"Bên cạnh đó, tác dụng lực đẩy của chân lên phanh giúp kích hoạt các pít-tông đẩy vào trong xi lanh để tạo ra áp suất thủy lực mạnh mẽ hơn nhiều, ép má phanh hoặc guốc phanh lên các đĩa phanh hoặc tang trống khỏe hơn", anh Thắng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, người lái chỉ nên dùng phanh tay để giữ xe đứng yên trong trường hợp dừng đỗ ở các điều kiện đường dốc và không bằng phẳng.
Ở một số quốc gia ở Mỹ và châu Âu, phanh tay ô tô còn được gọi là phanh khẩn cấp, có nghĩa là phanh tay vẫn có thể được dùng để dừng xe khẩn cấp nếu phanh chân bị hỏng.
Tuy nhiên anh Thắng cho rằng, hầu hết các xe ô tô hiện đại đều dẫn động cầu trước nên đầu xe sẽ nặng hơn, lực phanh phía sau lại không quá mạnh, thông thường phanh tay chỉ cung cấp khoảng 40% lực phanh vào bánh sau.
Ngoài ra, do hệ thống chống bó cứng phanh ABS không hoạt động khi sử dụng phanh tay cơ khí hay điện tử. Vì vậy, khi đang chạy xe ở tốc độ cao, sử dụng phanh tay sẽ khiến bánh sau bị bó cứng và xe có thể xe văng đuôi sang một bên, dễ gây mất an toàn.
Vị kỹ sư này cũng khuyến cáo người dùng nên thận trọng trước khi thực hiện thao tác phanh khẩn cấp và tốt nhất là tránh hoàn toàn tình huống này. Nếu bắt buộc phải dùng đến chúng, hãy coi đó như là một phương án cuối cùng và cầu mong con đường phía trước ít phương tiện qua lại để hạn chế tối đa những thiệt hại cho các xe xung quanh.
Cuối cùng, hãy nhờ kỹ thuật viên tại các gara sửa chữa đáng tin cậy kiểm tra xe mỗi lần thay dầu và họ sẽ cho chủ xe biết khi nào cần thay má phanh hay các đường ống mềm, ống dẫn dầu phanh.
Đừng bỏ qua những đề xuất của họ khi đề cập đến phanh bởi đó là hệ thống không chỉ đảm bảo cho chiếc xe vận hành an toàn mà còn liên quan trực tiếp đến sự sống còn của người lái và những hành khách bên trong xe.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!