Văn bản của Bộ Y tế khiến người bệnh thiệt thòi?
Ngày 9/5, Bộ Y tế có Công văn số 2348 về việc bãi bỏ Công văn số 2009 ngày 12/4/2018 của Bộ này gửi Bảo hiểm xã hội VN về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.
Ngày 12/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn 1261/BHXH-CSYT dừng thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế dựa trên văn bản số 2348 của Bộ Y tế.
Ngay lập tức, ngày 13/5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn đề nghị xin tiếp tục thanh toán phí dịch vụ kỹ thuật sử dụng trên máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu. Hoặc, có lộ trình cho phép chuyển đổi dần trong thời gian tìm giải pháp thay thế.
Bệnh viện này phân tích, hàng năm, bệnh viện có hơn 1,5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú (BHYT 60%) và 150 ngàn lượt bệnh nhân nội trú (BHYT 80%). Số lượng bệnh nhân tham gia BHYT rất lớn.
Trong khi đó, 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện nay hoạt động tại Bệnh viện là máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
Khi thực hiện theo yêu cầu của công văn 2348 của Bộ Y tế và 1261 cuả BHXH Việt Nam có 2 tình huống xảy ra:
Thứ nhất, bệnh viện dừng thực hiện tất cả xét nghiệm trên các máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Đồng nghĩa với việc, Bệnh viện sẽ ngưng hoạt động vì không đủ các cận lâm sàng để phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị. Khi đó, tính mạng của người bệnh chắc chắn sẽ bị đe dọa.
Thứ hai, Bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm trên các máy mượn, máy đặt nhưng bệnh nhân phải tự thanh toán chi phí. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT và có thể tác động lớn đến an ninh xã hội.
Do đó, BV Chợ Rẫy đề nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tiếp tục thanh toán theo chế độ BHYT chi phí DVKT thực hiện trên máy mượn, máy đặt từ công ty trúng thầu vật tư, hóa chất hoặc có lộ trình thay đổi, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân BHYT (về tài chính và sức khỏe),
UBND TP.HCM nói gì?
Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn về việc báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các công văn trên của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Theo đó, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 412 cơ có khám, chữa bệnh. Trong đó, có 185 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT).
Từ ngày 1/5 đến 12/5/2022, có 9.451 lượt khám chữa bệnh có xét nghiệm trong 113.409 lượt khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Chi phí xét nghiệm/tổng chi là 47 tỷ đồng/528,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 8,92 %.) Theo đó, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho bệnh nhân Bảo hiểm y tế là trên 4 tỷ đồng.
Như vậy, khi thực hiện công văn số 2348 của Bộ Y tế từ ngày 9/5 đến hết ngày 12/5 thì chi phí xét nghiệm cho người Bệnh bảo hiểm y tế tại TP.HCM ước tính khoảng 16 tỷ đồng. Con số này sẽ không được BHYT thanh toán theo Công văn số 1261 của BHXH Việt Nam.
Vì vậy, khi thực hiện dừng chi trả theo công văn số 2348 của Bộ Y tế và công văn số 1261 của BHXH Việt Nam sẽ dẫn đến các cơ sở khám, chữa bệnh tạm ngưng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, đồng nghĩa với việc người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
“Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe, tính mạng của người bệnh”, văn bản nêu.
Nếu các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm này nhưng người bệnh phải tự thanh toán điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội và làm chậm lộ trình BHYT toàn dân .
Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Nếu như phải dừng thanh toán thì cần phải có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ thời gian chuẩn bị.
Linh Giao