wkcgxvvhtognk669cwkmabrn6cx4syvj.jpg
Các vật liệu xây dựng thông thường có thể trở thành giải pháp năng lượng tương lai.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã sử dụng nguyên liệu là xi măng, muội than và nước chế tạo ra một siêu tụ điện cải tiến. Thiết bị này có tiềm năng cung cấp giải pháp năng lượng thay thế với giá cả phải chăng và có thể dùng để lưu trữ năng lượng tái tạo.

Chi tiết về công nghệ này được mô tả trong một bài báo trên tạp chí PNAS của các giáo sư MIT - Franz-Josef Ulm, Admir Masic, Yang-Shao Horn và những người khác.

Cơ sở chế tạo hệ thống lưu trữ năng lượng mới là hai vật liệu phổ biến trong đời sống: Xi măng và muội than. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sự kết hợp của chúng với nước có thể tạo ra siêu tụ điện lưu trữ năng lượng điện.

Một ứng dụng thú vị của công nghệ này là kết hợp một siêu tụ điện vào nền bê tông của ngôi nhà, cho phép lưu trữ năng lượng mà không làm tăng chi phí xây dựng móng.

Theo số liệu nghiên cứu, một khối bê tông 45 m3 có thể lưu trữ khoảng 10 kWh điện năng - mức tiêu thụ trung bình hằng ngày của một hộ gia đình. Loại bê tông này vẫn giữ được độ bền thông thường, cho phép tích hợp siêu tụ điện vào các phần kết cấu khác nhau của ngôi nhà.

Ngoài ra, siêu tụ điện làm từ vật liệu này có thể được sử dụng để lưu trữ năng lượng thu được từ các tấm pin mặt trời để sạc không dây cho xe điện.

Các chuyên gia MIT coi đây là “một góc nhìn mới về tương lai của bê tông trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.

(theo Securitylab)