"Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc", khẳng định của ông Hoàng Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tại hội thảo Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Đãi cát tìm vàng

Theo ông Hà, tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, nhiều tài năng đã bộc lộ, phát tiết ngay trước tuổi trưởng thành. Những tài năng trẻ ấy sẽ được thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, được Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận. Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, những tài năng ấy sẽ khó có điều kiện phát triển và trong không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt.

snapedit_1731402343590.jpeg
Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Huấn

Nhiều năm tham gia công tác đào tạo, GS.TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) nêu thực trạng tại hai trường đại học lớn đào tạo về nghệ thuật là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

Nhiều năm qua, công việc đào tạo của trường nào cũng đều theo một quy trình: tuyển sinh - đào tạo - tốt nghiệp ra trường. Theo nhận xét của những người trong ngành, chất lượng đầu vào của nhiều trường nghệ thuật gần đây chưa cao, nếu không muốn nói là có ngành còn thấp.

Ở những ngành cần có năng khiếu nổi bật như diễn viên (sân khấu, điện ảnh, múa...) cũng chỉ “sàn sàn như nhau”, hiếm thấy có khuôn mặt nào nổi bật.

Đành rằng tài năng vốn là “của hiếm”, là số ít nhưng quan sát cách thức tổ chức tuyển sinh của các nhà trường mấy năm gần đây theo quy trình: thí sinh nộp hồ sơ về trường rồi thi như tất cả các trường đại học khác trong cả nước, bà Phương băn khoăn với câu hỏi: Phải chăng các trường văn hóa nghệ thuật đang “bỏ rơi”, “bỏ sót” ở đâu đó các em có năng khiếu, hoặc hứa hẹn trở thành tài năng, vì lý do nào đó không có thông tin, hoặc không có điều kiện để về Hà Nội dự tuyển?

Bà Phương so sánh, thời xưa, nhiều đơn vị phải về tận vùng sâu vùng xa, tới tận gia đình để thuyết phục cho con em tham gia nghệ thuật. Với cách làm “đãi cát tìm vàng” như thế, nhiều người sau khi được đào tạo căn bản đã trở thành những ngôi sao.

Để tài năng "cất cánh"

Vì thế, để tài năng trẻ có thể “cất cánh”, thăng hoa, theo bà Phương cần có một chu trình gồm: phát hiện, nuôi dưỡng - đào tạo và tự tu dưỡng - sáng tạo, cống hiến.

“Để tài năng phát triển đúng hướng và đạt tới trình độ điêu luyện, các ‘mầm non’ nghệ thuật cần được đào tạo bài bản trong môi trường văn hóa, nghệ thuật,” bà Phương nói.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định, việc tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức nghệ thuật, cộng đồng và các doanh nghiệp.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ như lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, cùng các phương pháp đào tạo đổi mới (tích hợp môn học liên ngành, khóa học kỹ năng mềm giao tiếp quản lý dự án và tiếp thị bản thân...). Có như vậy, mới tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần tăng cường truyền thông, khuyến khích sự tham gia nghệ thuật trong trường học, khuyến khích sự sáng tạo trong các thể loại nghệ thuật hay huy động thành lập quỹ hỗ trợ dự án bảo tồn, sáng tạo, thử nghiệm văn hóa nghệ thuật...

Lan toả 'sức mạnh mềm' của văn hoá Việt Nam"Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả 'sức mạnh mềm' của văn hoá Việt Nam", Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định.