Người cha cõng đứa trẻ dạo chơi trong công viên rợp lá vàng rơi trở thành hình ảnh điển hình của một “ikumen" Nhật Bản, hay nói cách khác là người đàn ông toàn diện.
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách nhân rộng thuật ngữ “ikumen" để chống lại tình trạng làm việc quên ăn quên ngủ của nam giới khiến họ không còn thời gian quan tâm tới gia đình, và hơn hết là nâng tỷ lệ sinh sản ở đất nước đang nằm trong nhóm sinh đẻ ít nhất thế giới.
CNN đưa tin, để đảo ngược tình hình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây đã cho công bố hàng loạt chính sách như tăng khoản hỗ trợ nuôi con, cam kết để 50% lao động nam được nghỉ thai sản vào năm 2025 và tăng lên thành 85% vào năm 2030 so với tỷ lệ hiện tại là 14%.
Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật Bản vẫn tỏ ra hoài nghi trước hiệu quả của các chính sách mới, bởi quốc gia này đã đối mặt với tỷ lệ sinh đẻ thấp và già hóa dân số suốt thời gian dài.
Anh Makoto Iwahashi, một thành viên của POSSE, liên đoàn lao động của giới trẻ, chia sẻ dù chính phủ có ý tốt nhưng nhiều nam giới Nhật Bản vẫn không dám nghỉ phép, bởi họ sợ những tác động xấu tới con đường thăng tiến sự nghiệp.
Theo một dự luật được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào năm 2021, nam giới sẽ được hưởng 4 tuần nghỉ phép thai sản linh hoạt, và nhận 80% lương. Nhưng thực tế, đàn ông Nhật Bản vẫn “sợ” nghỉ phép vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến, hoặc bị điều chuyển sang làm ở vị trí khác có ít cơ hội thăng chức hơn.
"Việc điều chỉnh chế độ nghỉ khi sinh con cũng không giúp cho việc tỷ lệ sinh giảm mạnh như hiện nay thay đổi”, anh Iwahashi nói.
Ông Hisakazu Kato, Giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji ở Tokyo, cho hay trong những năm qua, các công ty lớn đã dần dần chấp nhận chuyện nghỉ phép của người lao động khi sinh con, nhưng các công ty nhỏ vẫn còn do dự.
“Các công ty nhỏ sợ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do nhân viên nghỉ chăm con, và điều này đã tạo áp lực lên những ông bố trẻ muốn được nghỉ chăm con trong tương lai”, ông Kato nói.
Cơ hội cuối cùng
Vào năm 2022, số trẻ chào đời ở Nhật Bản lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 kể từ năm 1899. Mới đây, Thủ tướng Kishida cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng “6 - 7 năm tới sẽ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng sinh đẻ giảm”.
Giáo sư Stuart Gietel-Basten tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho rằng, “Thúc đẩy chính sách nghỉ thai sản là chuyện tốt. Nó sẽ mang lại thái độ tích cực cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, nếu không thay đổi văn hóa và thái độ, tác động của chính sách sẽ chỉ có hạn”.
Anh Riki Khorana (26 tuổi), người có kế hoạch kết hôn với bạn gái vào tháng Sáu tới, cho hay chi phí sống tăng cao là một trong những mối quan ngại lớn nhất khi bước vào cuộc sống gia đình.
Làm kỹ sư tại một trong những tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Tokyo, anh Khorana tự nhận mình là người có thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, anh vẫn đang sống cùng bố mẹ ở Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản ở phía nam Tokyo.
Sau khi kết hôn, anh Khorana sẽ chuyển ra sống riêng, nhưng vẫn ở trong phạm vi thành phố Yokohama do giá thuê nhà ở Tokyo quá cao. Theo công ty tư vấn Mercer của Mỹ, Tokyo đứng thứ 9 trong danh sách những thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới.
Hiện anh Khorana có kế hoạch sinh 2 con, nhưng cho biết sẽ tính chuyện sinh thêm con nếu như chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.
Hiện tỷ lệ sinh đẻ ở Nhật Bản đang là 1,3 trẻ/phụ nữ, dưới mức 2,1 trẻ/phụ nữ để đảm bảo ổn định dân số.