Lời tòa soạn: Tuyến bài "Thần tốc dự án đường dây 500kV mạch 3" của VietNamNet ghi nhận không khí khẩn trương, "vượt nắng, thắng mưa" trên công trường dự án đặc biệt này. |
Đại dự án hơn 15.000 người tham gia thi công
Ghi nhận của PV.VietNamNet tại công trường dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đi qua địa bàn tỉnh Nam Định, những ngày này, không khí diễn ra rất khẩn trương. Sau giờ nghỉ trưa chóng vánh, hàng trăm công nhân hối hả trở lại công trường, tiếp tục đu mình lên cao để thực hiện công việc.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 có tổng chiều dài khoảng 519km. Trong đó, dự án qua địa bàn tỉnh Nam Định có tổng chiều dài là 55km với 145 vị trí cột, đi qua các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.
Để “tiếp sức” cho dự án, Công ty Điện lực Nam Định đã thành lập 2 đội xung kích với 24 kỹ sư và công nhân lành nghề hỗ trợ các đơn vị chủ lực vận chuyển vật tư thiết bị, thi công đường tạm, lắp ghép các kết cấu thép dưới mặt đất,... trong giai đoạn nước rút.
Anh Phạm Công Luận (35 tuổi, quê Bắc Kạn) đang trực tiếp thi công dự án đoạn đi qua tỉnh Nam Định, kể rằng anh tham gia thi công đến nay đã 4 tháng. Trong suốt thời gian làm việc, anh không về nhà lần nào. Dù nhớ vợ con nhưng để đảm bảo tiến độ, anh vẫn túc trực tại công trình. Anh tự hào vì được góp một phần công sức nhỏ bé vào đại công trình quốc gia.
Một trong những công việc khó khăn nhất của các công nhân là phải đu mình trên những cột điện cao vút, bởi càng lên cao gió càng mạnh, nắng càng rát, việc lắp ráp cũng sẽ khó khăn hơn. Bởi thế, công việc này đòi hỏi họ phải có sức khoẻ tốt, không sợ độ cao, kỹ thuật tốt, cẩn thận, tỉ mỉ.
Nói thêm về những khó khăn, anh Luận chia sẻ: “Những ngày nắng nóng đỉnh điểm làm việc trên những cột thép cao rất dễ mất sức, chưa kể sắt thép hấp thụ nhiệt trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, phả thêm hơi nóng vào mặt. Mỗi khi đụng tay vào thanh thép chúng tôi cũng thấy bỏng rát.
Những ngày mưa lớn kèm theo giông sét không thể leo lên cột, công việc bị ngắt quãng nên khi thời tiết đẹp chúng tôi đều chủ động làm bù để dự án đạt đúng tiến độ”.
Vượt vô vàn khó khăn về địa hình và thời tiết, hàng trăm công nhân hàng ngày vẫn hăng say lao động trên công trường, chung sức đưa dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích. Với họ, vất vả hôm nay sẽ là tự hào của ngày mai khi được góp một phần công sức vào công trình trọng điểm quốc gia.
Đơn cử như việc dựng cột 175 trên tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu. Cột 175 vừa hoàn thành dựng cột, chuyển sang giai đoạn kéo dây. Đây là một trong những cột cao và nặng nhất của toàn dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.
Anh Lý Đình Hiếu, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ sông Đà, cho biết, cột 175 cao 145m, nặng 426 tấn, vượt hồ Bộc Nguyên. Đây là cột ống (cột DO) nên quá trình lắp, dựng cũng gặp khó khăn hơn cột thép hình do phải đảm bảo độ chính xác cao giữa các khớp nối và trọng lượng các thanh cái rất lớn, khoảng 6 tấn/thanh.
Theo đại diện nhà thầu thi công vị trí 85-97 qua địa phận xã Nam Dương, Nam Hùng (huyện Nam Trực), đơn vị đảm nhận thi công 13 cột, đến nay, đã dựng xong 11 cột, khối lượng công việc đảm nhận đạt 70%.
“Trong giai đoạn nước rút này, chúng tôi đã tăng cường thêm số lượng công nhân để chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ nhất có thể. Thời gian làm việc trong ngày cũng được kéo dài, nhưng tất cả đều hăng hái, tất cả vì mục tiêu chung.
Song song với yêu cầu tiến độ, vấn đề an toàn lao động và chất lượng công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn vị nhà thầu cũng luôn động viên, quan tâm đến sức khoẻ của công nhân, như tổ chức khám sức khoẻ thường xuyên”, vị đại diện nói.
Tiến độ thần tốc
Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được các địa phương hoàn thành 100%, bàn giao 1.177 vị trí móng cột và 513/513 khoảng néo.
Toàn tuyến đã đúc móng xong cho toàn bộ 1.177 vị trí. Hoàn thành lắp dựng 728 vị trí cột, đang lắp dựng 405 vị trí cột. Hoàn thành kéo dây 95 khoảng néo, đang thực hiện kéo dây 45 khoảng néo.
Vào lúc 11h48' ngày 30/6, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đã đóng điện thành công dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Thanh Hóa - Nam Định.
Dự án có chiều dài 74,4km đi qua địa bàn các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Đây là 1 trong 4 dự án thành phần thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - cho biết: Tuyến đường dây 500kV Thanh Hoá - Nam Định có 180 vị trí cột với 74 khoảng néo hành lang tuyến, được triển khai thi công từ cuối tháng 10/2023. Ngày 27/6/2024, Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư đã họp và thống nhất phương án đóng điện công trình.
Việc dự án hoàn thành và đóng điện là động lực to lớn để toàn công trường dự án đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành nghiệm thu, khánh thành trong tháng 7 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT, thông tin thêm, để đáp ứng yêu cầu trên, trong khoảng thời gian ngắn, nhiều hạng mục công việc đã được triển khai đồng thời, như thi công xây lắp, dựng cột, kéo dây.
Vì vậy, bên cạnh lực lượng chính của các đơn vị thuộc EVNNPT và các nhà thầu thi công xây lắp, EVN đã kêu gọi, huy động 5 tổng công ty điện lực cùng tham gia hỗ trợ thi công, với số lượng lớn nhân lực có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề. Tổng số nhân lực thi công trên công trường lên đến khoảng 15.000 người, trong khi lực lượng công nhân có tay nghề, chuyên môn của các nhà thầu chỉ có từ 7.000-8.000 người.
Trong suốt thời gian qua, không khí thi công tại công trường lúc nào cũng hừng hực. Tất cả lực lượng tham gia đều nêu cao tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc không kể giờ giấc, chung tay góp sức đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Chỉ có thể gọi là "kỳ tích"
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng không thể dùng từ gì khác ngoài từ "kỳ tích" để nói về tiến độ đường dây 500kV này.
Đó là tiến độ ông Sơn đánh giá là “không tưởng” với một công trình đường dây 500kV. “Việc đầu tư đường dây 500kV trải qua nhiều tỉnh với các trạm biến áp 500kV là khối lượng công việc lớn, đồ sộ. Bình thường không thể hoàn thành được trong 6-7 tháng. Cho nên có thể nói đây là kỳ tích của ngành điện”, ông Sơn chia sẻ trên VOV.
Theo vị chuyên gia này, trước đây, chúng ta đã có những công trình trọng điểm được xây dựng rất nhanh, như đường dây 500kV Sơn La – Lai Châu hay Vân Phong - Vĩnh Tân. Các dự án này cũng được nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quan tâm nhưng cũng phải tiến hành trong 18-24 tháng. Đường dây 500kV mạch 3 từ Vũng Áng tới Pleiku 2 cũng là công trình trọng điểm, phải xây dựng trên 3 năm.
Cho nên, ông Sơn khẳng định đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dài 519km có thể hoàn thành trong tháng 7/2024, tức là từ khi nhận nhiệm vụ đến lúc hoàn thành chưa đầy 12 tháng. Đường dây này phải huy động nhiều nhà thầu, trong khi năng lực nhà thầu không đồng đều, yếu tố kỹ thuật đòi hỏi rất cao, huy động nguồn vật tư trong thời gian ngắn. Riêng cột thép với 1.177 cột đã lên đến gần 140 nghìn tấn. Còn 167 cột thép ống, riêng cung đoạn từ Quảng Trạch đến Quỳnh Lưu đã 85 cột thép ống, chiếm 51% toàn tuyến. Đó là những khó khăn hết sức lớn để triển khai thi công.
“Mặc dù ngành điện trải qua 40 năm để nghiên cứu, thiết kế, thi công đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, rồi một số cung đoạn của mạch 3, nhưng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với yêu cầu 1 năm hoàn thành là hết sức căng thẳng. Nếu đường dây này tháng 7 đi vào vận hành, thì ngành điện đã vượt qua vô vàn khó khăn để làm nên kỳ tích này”, ông Sơn đánh giá.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bản chất dự án 500kV này không có cơ chế đặc thù. Toàn bộ công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, thi công đều theo các quy chế hiện hành. Với dự án như vậy, bình thường phải thực hiện chuẩn bị đầu tư khoảng 2-3 năm, nhưng vừa qua toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư chỉ 5 tháng sau khi Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án này. Công tác thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công, kiểm đếm giải phóng mặt bằng được nhiều địa phương hỗ trợ tích cực. Như Thanh Hóa đã dùng quỹ đất của dự án khác để tái định cư cho dự án này. Nếu thực hiện thủ tục như bình thường thì sẽ rất khó khăn. "Dự án liên quan đến 5.400 hộ dân, hơn 300 doanh nghiệp nhưng thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Đây là kỳ tích thực hiện trong thời gian qua, kỳ tích của ngành xây dựng", ông Lâm chia sẻ. |
Bài 3: Những người đặc biệt trên công trường 500kV kéo điện ra Bắc