Mới đây, Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 đã đạt giải thưởng Chương trình Giáo dục và Trẻ em ấn tượng của Ấn tượng VTV - VTV Awards 2022.
Để nhìn lại hành trình, những kết quả đạt được và cả những điều còn chưa được của chương trình trò chơi truyền hình có tuổi đời dài nhất VTV3, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Biên tập viên, MC Ngọc Huy.
- Chào Biên tập viên Ngọc Huy! Cảm xúc của anh ra sao khi Ê-kíp sản xuất Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 nhận giải VTV Awards cho hạng mục Chương trình Giáo dục và Trẻ em ấn tượng?
Vui và hạnh phúc là dĩ nhiên rồi! Nhưng tôi cũng rất bất ngờ khi chương trình vượt qua 11 đề cử là những chương trình đều ghi dấu ấn trong năm 2022 để được xướng tên năm nay.
Có 2 cảm xúc chính là tự hào và biết ơn. Tự hào khi chương trình được nhận một giải thưởng danh giá, ý nghĩa và thể hiện đã mang đến một sân chơi bổ ích cho khán giả.
Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn khán giả, đặc biệt là các học sinh trên cả nước, vì luôn quan tâm theo dõi và dành tình cảm cho Đường lên đỉnh Olympia.
- Gắn bó với Olympia đến nay đã được 10 năm, điều gì khiến anh cho rằng chương trình đã, đang làm tốt và điều gì chưa ổn, cần điều chỉnh?
Tôi cho rằng điều thành công nhất của Olympia là không chỉ dừng lại ở một gameshow truyền hình mà còn trở thành một cột mốc, kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của nhiều học sinh trên khắp cả nước.
Chương trình đã duy trì, kéo dài được liên tục trong suốt hơn 22 năm qua, trở thành gameshow có tuổi đời dài nhất của Đài Truyền hình Việt Nam.
Điểm mà Olympia làm tốt nhất có lẽ là luôn giữ được tiêu chí từ những ngày đầu tiên. Đó là sân chơi bổ ích, mang đến cho các học sinh kiến thức và sân chơi công bằng, truyền cảm hứng học tập đến các bạn trẻ.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Đường lên đỉnh Olympia đang nhầm lẫn giữa việc tìm ra người giỏi thực sự và tìm ra thí sinh biết, ghi nhớ mọi thứ song không sáng tạo gì nhiều cho xã hội?
Việc đánh giá như vậy tôi nghĩ cũng chưa đúng. Những câu hỏi về ghi nhớ thường là những câu hỏi nhanh ở phần thi Khởi động.
Phần thi này thường kiểm tra kiến thức tổng hợp của các thí sinh và tất nhiên trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi cũng không thể đưa ra các câu hỏi về suy luận.
Tuy nhiên, những câu hỏi tưởng chừng chỉ ghi nhớ nhưng qua đó cũng thể hiện phản ứng nhanh nhạy của thí sinh.
Những câu hỏi cần vận dụng kiến thức để suy luận, giải thích trước khi nghĩ đến phương án trả lời thường nằm ở các phần thi sau.
- Hiện nay, một số các trường đại học lấy thành tích hay sự tham gia Olympia làm thước đo, công cụ để xét tuyển sinh. Quan điểm của anh về việc này ra sao?
Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Họ mong muốn có được những thí sinh đầu vào như thế nào thì sẽ đưa ra những bộ tiêu chí của riêng mình. Nếu không đảm bảo chất lượng, tôi tin họ sẽ có điều chỉnh.
Cá nhân tôi cho rằng “bộ lọc” đánh giá theo Olympia là hướng đi hay, bởi các thí sinh tham dự Olympia cũng rất xứng đáng.
Olympia là một sân chơi công bằng và thậm chí có thể coi là một “bộ lọc” mạnh để tìm ra những học sinh xuất sắc. Việc tuyển chọn thí sinh được thực hiện rất cẩn thận, qua nhiều vòng từ xét hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại,...
Chưa kể, thí sinh tham gia cũng phải được sự đồng ý xác nhận và trải qua vòng tuyển chọn kỹ lưỡng của nhà trường, chứ không phải cứ nộp đơn đến là được.
- Thời gian tới, hướng đổi mới của chương trình Đường lên đỉnh Olympia sẽ như thế nào, thưa anh?
Thực ra mỗi năm chương trình đều có những điều chỉnh nhất định trong luật chơi để hướng tới sự công bằng cho các thí sinh hơn. Chúng tôi cũng đưa ra những cách dựng chương trình trẻ trung hơn, tiếp cận được với nhiều đối tượng khán giả hơn.
Chẳng hạn, gần đây phần giao lưu của MC với các thí sinh chú trọng nhiều hơn đến các chia sẻ về việc học tập của các bạn. Ví dụ như làm thế nào để học tốt các môn hay bí quyết học tập,...
Từ đó, chúng tôi hy vọng khi theo dõi chương trình, các học sinh có thêm nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm hơn qua các chia sẻ của người chơi.
Thời gian tới, vẫn trên cơ sở nền tảng kiến thức mà học sinh được học trong chương trình sách giáo khoa, nhưng chúng tôi sẽ đưa ra cho các em nhiều câu hỏi thực hành hoặc những câu hỏi vận dụng kiến thức vào đời sống, cập nhật thông tin thời cuộc hơn.
Chúng tôi cũng đang cố gắng trong việc tăng cường các nội dung trên nền tảng số và coi đó như là một công cụ để kéo khán giả đến với chương trình nhiều hơn.