Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp đánh giá công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng.
Cụ thể, tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP Hà Nội để ưu tiên xây dựng công trình công cộng theo quy định trong Luật Thủ đô.
“Thực tế có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời”, báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Báo cáo cũng dẫn lại yêu cầu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ cư trú.
Tuy nhiên, trong nội đô lịch sử, nhiều chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng. Điều này tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành.
Dẫn chứng về sự quá tải hạ tầng do gia tăng dân số cơ học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2021 Hà Nội có 2,1 triệu học sinh, năm 2022 tăng lên 2,2 triệu.
"Mỗi sáng 2,2 triệu học sinh ra đường, trong đó khoảng 5% đi xe chung, còn lại 95% bố mẹ đưa đón bằng ô tô hay xe máy", ông Thanh nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, số người và phương tiện ra đường mỗi sáng như trên gây áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố. Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhiều năm qua, thành phố phát triển hướng vào trung tâm.
Điều đó khiến cho dân số ở các quận tăng nhanh, dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập…
“Theo chủ trương, khi di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện thì ưu tiên quỹ đất xây công trình công cộng. Thế nhưng, chúng ta chỉ làm nhà ở, dân cư tăng lên”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Tạo cực tăng trưởng mới để giãn dân nội đô
Để giải quyết những bất cập trên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm tới thành phố sẽ quyết tâm giãn ra bên ngoài bằng cách xây dựng các cực tăng trưởng mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.
Cụ thể, Hà Nội đang tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai). Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho TP Hà Nội và các tỉnh thành trong khu vực. Thành phố đang tập trung giải phóng mặt bằng để tuyến đường được khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác trong năm 2027.
Thành phố cũng đang triển khai quy hoạch hai bên tuyến đường, trong đó có khu vực làm cây xanh, đô thị, đất dịch vụ… Theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, diện tích đất dành cho phát triển đô thị sẽ được tăng lên.
"Trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, những vấn đề liên quan đến đường Vành đai 4 và ngay cả 2 thành phố ở phía Bắc và phía Tây sẽ được ‘đan xen’, khớp nối vào nhau, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông" - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.