Liên tục trong hai ngày 8 và 9/12, hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã chủ trì hai cuộc họp liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở cửa đón đồng bào Việt Nam trở về Tổ quốc.
Những ý tưởng và chỉ đạo của các vị lãnh đạo về mở cửa đường bay, thay đổi quy định về cách ly đã làm không ít người, cả những người Việt Nam đang ở nước ngoài và các gia đình ở Việt Nam có thân nhân “kẹt” bên ngoài, lạc quan về những cuộc đoàn tụ trong tương lai gần.
Số liệu khách đến Hà Nội bằng đường hàng không |
Tuy vậy, những chi tiết thông tin về các ý kiến từ những cuộc họp ấy cho thấy con đường để mở cánh cửa đón đồng bào trở về đất nước, quê hương còn không ít gập ghềnh. Tôi muốn góp một ý khác trong bài viết này, về cách thức mở cánh cửa ấy.
Thứ nhất, đợi đến đầu tháng 1 mới mở cửa hẳn, thì khá muộn. Lúc này, kỳ nghỉ Giáng sinh đang đến gần, rất nhiều người muốn tận dụng kỳ nghỉ ấy để trở về nhà, thăm lại quê hương sau hai năm mắc kẹt. Đợi đến sau kỳ nghỉ Giáng sinh mới mở hẳn cánh cửa, thì có rất nhiều người sẽ phải gác lại mong muốn về quê, ví dụ với các sinh viên, học sinh, sẽ phải chờ đến dịp nghỉ hè.
Thứ hai, cánh cửa cho đồng bào trở về đang khá dễ dàng để mở, chỉ bằng các thủ tục hành chính của chính chúng ta. Từ nhiều tháng nay, một số hãng hàng không quốc tế vẫn đang duy trì chuyến bay đến Việt Nam, như Qatar Airways, Emirates, Japan Airlines, Korean Air, Singapore Airlines…
Chính nhờ những chuyến bay “lật đầu” của họ (chủ yếu đón khách từ Việt Nam đi), mối liên hệ của Việt Nam với thế giới vẫn còn duy trì được. Chuyên gia và các nhà quản lý vẫn có thể đến Việt Nam, một số đoàn công tác của Chính phủ vẫn có thể đi ra ngoài, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh có thể trở lại trường học.
Theo số liệu của cơ quan quản lý, đến tháng 7, có 77.153 lượt khách rời Hà Nội bằng đường hàng không, trong khi đó, lượt khách đến chỉ có 25.747 lượt (bao gồm cả các chuyến bay giải cứu).
Chỗ trống trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam rất nhiều, bởi các hãng hàng không quốc tế chỉ có thể nhận khách là người nước ngoài được 5 bộ và địa phương phê duyệt. Người mang hộ chiếu Việt Nam không được lên những chuyến bay gần như rỗng ấy, dù đó là những chuyến bay có điểm đến là đất nước của mình (ngoại trừ vài đoàn công tác của các cơ quan nhà nước).
Không ít người, cả những người Việt Nam đang ở nước ngoài, và các gia đình ở Việt Nam có thân nhân “kẹt” bên ngoài lạc quan về những cuộc đoàn tụ trong tương lai gần. Ảnh: VNA |
Chúng ta có lẽ cần bắt đầu bằng việc cho phép các hãng hàng không quốc tế đang bay đến Việt Nam được tiếp nhận khách có hộ chiếu Việt Nam, với các quy định về tiêm chủng và xét nghiệm.
Tất nhiên, cũng sẽ cần có một quy trình hợp lý đối với việc xét nghiệm và cách ly khi người Việt Nam trở về nhà, và đó nên là một quy trình hợp lý, để các địa phương không thể can thiệp và làm phức tạp thêm, gây khó khăn cho những người trở về.
Vài tuần tới là thời gian mà rất nhiều người Việt ở nước ngoài phải xác nhận kế hoạch cho kỳ nghỉ Giáng sinh, đợi đến khi họ đã rẽ sang những hướng khác rồi mới mở cửa, thì quả là khó hiểu. Sau hai năm kẹt ở nước ngoài, giờ thì ai muốn trở về nhà cũng chính đáng cả.
Đã có những người về nhà chịu tang người thân phải vật vã kiếm chỗ trên chuyến bay giải cứu, rồi “kẹt” luôn trong khu cách ly 45 ngày vì thi thoảng lại có người nhiễm virus ở cùng phòng, ra khỏi cách ly chỉ còn vài ngày với gia đình. Đã có những người ngậm ngùi và loay hoay vì chẳng có cách nào lên những chuyến bay hồi hương ít ỏi, đã có bao nhiêu đồng bào phải qua đường Phnom Penh để trở về… Bây giờ là lúc để kết thúc những câu chuyện ấy.
Và như đã viết trong bài trước của tôi, đây không chỉ là câu chuyện nhân đạo, mà còn là phẩm giá của đất nước.
Phạm Quang Vinh
Giao thương không thể online: Bao giờ Việt Nam mở cửa?
Nhiều doanh nghiệp muốn vào Việt Nam nhưng họ quan tâm đến vấn đề làm việc với ai, thăm nhà xưởng, tìm hiểu nguyên liệu thế nào.