Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố quyết định của HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Vinaconex với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu kỳ hạn từ 30 - 84 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm. Dự kiến Vinaconex sẽ phát hành trong quý II và quý III/2021, với mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ kinh doanh cho tổng công ty.
Báo cáo cũng cho biết, Vinaconex sẽ sử dụng được nguồn tiền huy động được để bổ sung cho Dự án bất động sản nghỉ dưỡng Cát Bà Amatina, trong đó là các hoạt động hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) trong dự án phát triển phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng.
Như vậy, dự án bất động sản nghỉ dưỡng tỷ USD Cát Bà Amatina có thể sẽ được thúc đẩy nhanh chóng sau 10 năm nằm im. Tình hình tại công ty mẹ Vinaconex đã yên ổn. Ông Đào Ngọc Thanh (đại diện cho nhóm An Quý Hưng trong vụ mua cổ phần nhà nước tại VCG hồi 2019) hiện là chủ tịch của của Vinaconex và cũng là chủ tịch của VCR.
Dự án Cát Bà Amatina ngừng trệ chục năm. |
Sau dứt điểm thương vụ Splendora phía Tây Hà Nội, Cát Bà Amatina được xem là một dự án tiềm năng của ông lớn ngành xây dựng Vinaconex.
Từ 2020, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex ITC (VCR) đã có những động thái vay vốn ngân hàng và phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ để thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina - giai đoạn 1) tại Cát Bà, TP. Hải Phòng. Vinaconex ITC đã chào bán 140 triệu cổ phiếu, giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, để thu về 1.400 tỷ đồng đầu tư cho dự án.
Năm 2011, dự án Cát Bà Amatina được giới thiệu ra công chúng với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Hồi tháng 5/2011, Vinaconex ITC đã có các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại hai khu biệt thự nghỉ dưỡng Fantasia và Azuria tại Dự án Cát Bà Amatina, nằm trên bờ vịnh Cái Giá của đảo Cát Bà.
Tuy nhiên, dự án sau đó bị đình trệ kéo dài và gần đây, dự án đã được lãnh đạo Hải Phòng đồng ý chủ trương để CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai thực hiện.
Trong năm 2019, cổ phiếu VCR đã có một đợt tăng giá mạnh gấp 7 lần, từ mức 5.000 đồng/cp lên trên 31.000 đồng/cp rồi sau đó dần dần giảm xuống. VCR niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội từ 2010 nhưng nhiều năm thua lỗ và đối mặt với án hủy niêm yết.
Khoảng 1 năm qua, cổ phiếu VCR hồi phục khá ấn tượng, từ mức khoảng 8.000 đồng/cp có lúc lên tới trên 25.000 đồng/cp do các nhà đầu tư kỳ vọng vào dự án Cát Bà Amatina. Tuy nhiên, giá hiện xuống dưới 19 nghìn đồng có thể một phần do sự chậm trễ của dự án và tác động của đại dịch Covid-19.
Vinaconex vẫn là công ty mẹ của VCR. Gần đây, Vinaconex của nhóm chủ tịch Đào Ngọc Thanh đã bán phần góp vốn tại đại dự án Splendora có quy mô hàng trăm hecta đất sạch tại phía Tây Hà Nội cho nhóm của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex ông Đào Ngọc Thanh gần đây xác định, Vinaconex sẽ chuyển hướng mạnh mẽ từ lĩnh vực xây lắp sang đầu tư bất động sản, với dự án chủ lực là Cát Bà Amatina. Ông Thanh khẳng định dự án Cát Bà Amatina sẽ mang về dòng lợi nhuận rất lớn, mỗi năm 1.000 tỷ đồng trong 6 năm tới.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index xoay quanh ngưỡng 1.325 điểm.Theo MBS, thị trường đã chững đà giảm với 2 phiên kiểm nghiệm lại ngưỡng 1300 điểm thành công với VN-Index trong phiên 9/6 và ở phiên 10/6, tín hiệu thị trường nghiêng về khả năng VN-Index tiếp tục dao động trong vùng tích lũy, vì vậy chiến lược giao dịch là mua ở vùng hỗ trợ và canh bán ở vùng cận trên vùng tích lũy.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 10/6, chỉ số VN-Index giảm 9,32 điểm xuống 1.323,58 điểm; HNX-Index giảm 5,56 điểm xuống 311,32 điểm. Upcom-Index giảm 0,08 điểm xuống 81,17 điểm. Thanh khoản đạt 30,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà