Như VietNamNet đã đưa tin, TikToker Nờ Ô Nô đang bị cộng đồng mạng tẩy chay do đăng tải những đoạn clip bẩn, với nội dung được nhiều người cho là có hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo.
Trong làn sóng tẩy chay Nờ Ô Nô, đáng chú ý khi còn có sự tham gia của các TikToker và YouTuber - những người chuyên sản xuất nội dung trên mạng xã hội.
Theo Lê Công Minh Khôi - chủ sở hữu kênh YouTube và TikTok cùng tên Khôi Ngọng với hơn 130.000 người follow, các clip của Nờ Ô Nô là một dạng nội dung rác.
“Video dù có nội dung làm từ thiện nhưng lại mang theo những ngôn từ xúc phạm người khác. Đã là rác thì cần phải tẩy chay”, Khôi bức xúc nói.
Chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện này, Ngô Đức Duy (chủ kênh TikTok Duy Thẩm) cho biết, hành động của Nờ Ô Nô đúng hay sai quá rõ ràng bởi phản ứng của dư luận đã nói lên tất cả.
Theo Ngô Đức Duy, trong thế giới người sáng tạo nội dung có muôn hình vạn trạng các cách làm “content” khác nhau. Sẽ luôn có những người bất chấp tất cả chỉ để “câu view” với mục tiêu càng nổi tiếng càng tốt.
“View cao, độ lan tỏa rộng là mục tiêu nhưng không nên là đích đến. Các nhà sáng tạo nội dung nên tránh đi vào vết xe đổ của Nờ Ô Nô. Đích đến của các video nên là xây dựng con người, xây dựng hình ảnh cá nhân chứ không phải kiếm video triệu view bằng mọi cách, để rồi bị cộng đồng tẩy chay, lên án”, Ngô Đức Duy chia sẻ.
Cùng chung quan điểm với Duy Thẩm, một hot TikToker khác là Đặng Nam Hải Triều (chủ kênh TikTok Haiichieu) cho biết, dưới góc nhìn của một người xem, anh sẽ không chọn theo dõi những nội dung như trong các clip của Nờ Ô Nô.
Nhận xét về series từ thiện "Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó", Hải Triều cho rằng những clip này được tạo ra với mục đích đạt được nhiều người xem chứ không hẳn vì mục đích từ thiện.
Theo Hải Triều, trong vụ việc lần này, Nờ Ô Nô đã xử lý khủng hoảng không tốt khi có thái độ thách thức cộng đồng mạng, điều đẩy vụ việc theo hướng ngày càng nghiêm trọng. Thay vào đó, Nờ Ô Nô nên nhận bài học cho mình và đưa ra lời xin lỗi chân thành.
“Cộng đồng mạng Việt Nam giờ đã khác, không còn dễ tính như trước đây. Do đó, nếu một người làm sáng tạo nội dung hay một nghệ sĩ mất uy tín với xã hôi, họ sẽ bị bài trừ. Đơn cử như vụ việc của ca sĩ Hiền Hồ là một ví dụ”, Hải Triều nói.
Theo TikToker này, câu chuyện về chương trình bình luận World Cup của VTV - một nhà sản xuất nội dung cực lớn cũng là bài học mà các KOL trẻ cần suy ngẫm. Trong câu chuyện này, nhà đài đã biết lắng nghe phản ứng của người xem, nhờ đó ghi điểm trở lại trong mắt khán giả.
Trước những hành động, phát ngôn thiếu suy nghĩ của Nờ Ô Nô, phía cơ quan chức năng là Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử đang có những động thái xem xét để xử lý vụ việc.
Tài khoản TikTok của Nờ Ô Nô đã bị buộc dừng hoạt động vĩnh viễn do “vi phạm Hướng dẫn cộng đồng nhiều lần”. Vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô có thể xem như một lời cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất nội dung bẩn trên mạng xã hội.