“Mọi thứ đang tiến triển tốt và người thử nghiệm đang dần hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào. Người thử nghiệm đã có thể di chuyển chuột quanh màn hình bằng suy nghĩ”, Elon Musk cho biết.

Neuralink của Musk được cấp phép tuyển người thử nghiệm vào tháng 9 năm ngoái và tiến hành thành công ca ghép chip đầu tiên lên não người vào tháng trước.

2bxhhhze6vkglf7agwcuerjtou.jpg
 Theo cuộc thăm dò từ công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov, chỉ 8% số người được hỏi sẽ cân nhắc đưa chip vào não, 82% trả lời không và 10% chưa quyết định.

Ca phẫu thuật được tiến hành bằng robot, thực hiện trên vùng não kiểm soát ý định di chuyển của bệnh nhân. Các bác sỹ phải thực hiện cắt hộp sọ trước khi robot đưa vào thiết bị giao diện não - máy tính siêu mỏng, chứa khoảng 64 sợi khác nhau, mỗi sợi mỏng chỉ bằng 1/14 chiều rộng của sợi tóc.

Musk có tham vọng lớn đối với Neuralink. Ông tin công nghệ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các thiết bị chip của mình vào phẫu thuật nhanh chóng để điều trị các tình trạng như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt.

Thành công bước đầu của cuộc thử nghiệm là động lực để Musk tiếp tục hướng đến ứng dụng khác của việc cấy chip não, chẳng hạn như lấy lại thị lực cho người khiếm thị (dự án BlindSight).

Từ năm 2019, tỷ phú công nghệ này đã có tầm nhìn về một thế giới con người “hợp nhất” với AI, tăng khả năng nhận thức lên mức “siêu phàm” trong tương lai.

Neuralink được định giá khoảng 5 tỷ USD vào năm ngoái, đang đối mặt với nhiều lời kêu gọi giám sát về quy trình an toàn. Tháng trước, Reuters đưa tin công ty này đã nhận án phạt do vi phạm quy định của Bộ Giao thông Vận tải liên quan việc vận chuyển những vật liệu độc hại.

Trong khi đó, giới bảo mật cũng lưu ý công nghệ của Musk hoàn toàn có thể bị tin tặc tấn công. “Lịch sử cho thấy, hầu hết các thiết bị y tế cấy ghép chip trước đây đều có thể bị hack”, Roger Grimes, chuyên gia bảo mật máy tính nói với The Sun.