Dựa vào cập nhật mạng xã hội của nhân viên Twitter, các nhóm phụ trách truyền thông, quản lý nội dung, nhân quyền, đạo đức máy học nằm trong số các nhóm mất nhân sự, cùng với các bộ phận kỹ thuật, sản phẩm.
Như vậy, một tuần đầy hỗn loạn và bất ổn của Twitter dưới thời ông chủ mới Elon Musk đã khép lại. Cũng trong ngày 4/11, tỷ phú cho biết Twitter đang trải qua đợt “sụt giảm doanh thu mạnh” do các nhà quảng cáo rút lui.
Musk đổ lỗi tổn thất này cho liên minh dân quyền thúc ép các nhà quảng cáo hàng đầu trên Twitter phải hành động. Ngay sau đợt sa thải, các nhóm tuyên bố sẽ leo thang áp lực và yêu cầu các nhãn hàng rút quảng cáo Twitter trên toàn cầu.
“Thật không may, không có lựa chọn nào khác khi công ty mất hơn 4 triệu USD/ngày”, Musk tweet về vụ sa thải. Ông tiết lộ những người mất việc được đền bù 3 tháng lương.
Twitter im lặng về quy mô cắt giảm nhân sự cho đến gần hết ngày, khi Giám đốc An toàn và Toàn vẹn Yoel Roth tweet xác nhận các kế hoạch nội bộ mà truyền thông Mỹ đưa tin trước đó. Khoảng 3.700 nhân viên Twitter bị đuổi việc.
Trong số đó, có 784 nhân viên làm việc tại trụ sở San Francisco, 199 tại San Jose và Los Angeles, theo báo cáo nộp lên cơ quan tuyển dụng California.
Roth cho biết nhóm của ông bị mất khoảng 15% nhân sự. Trách nhiệm của bộ phận là ngăn chặn tin giả và nội dung độc hại lan truyền. Musk hứa hẹn sẽ khôi phục tự do ngôn luận nhưng đồng thời không để Twitter biến thành “địa ngục” miễn phí cho tất cả mọi người. Dù vậy, các nhà quảng cáo lớn đều bày tỏ e ngại trước việc mạng xã hội về tay Musk. General Motors và General Mills thông báo dừng quảng cáo trên Twitter trong khi chờ đợi thông tin về hướng đi mới của nền tảng.
Theo Musk, ông không thay đổi gì trong quản trị nội dung và làm “mọi thứ chúng tôi có thể” để xoa dịu các nhà quảng cáo. Phát biểu tại một hội nghị các nhà đầu tư tại New York vào ngày 4/11, Musk gọi áp lực từ các nhà hoạt động là “cuộc tấn công vào Tu chánh án Thứ nhất”.
Mất quyền truy cập
Reuters đưa tin, email thông báo sa thải là thông tin đầu tiên mà nhân viên Twitter nhận được từ ban lãnh đạo mới sau khi Musk tiếp quản tuần trước. Bên dưới thông báo chỉ ký tên “Twitter” mà không nhắc tên Musk hay giám đốc nào khác.
Hàng chục nhân viên tweet về việc mất quyền truy cập email công việc và các kênh Slack ngay trước khi nhận thông báo sa thải chính thức vào sáng 4/11. Twitter tràn ngập lời than thở của những nhân viên cũ và mới, những người đã giúp xây dựng và duy trì nền tảng.
Họ chia sẻ các trái tim màu xanh dương và emoji để bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau, sử dụng các hashtag #OneTeam và #LoveWhereYouWorked – thì quá khứ của câu khẩu hiệu mà nhân viên đã dùng nhiều năm để kỷ niệm văn hóa làm việc của công ty.
Shannon Raj Singh, luật sư từng là Giám đốc nhân quyền tạm thời của Twitter, chia sẻ toàn bộ nhóm nhân quyền đã bị đuổi việc. Một nhóm khác có nhiệm vụ nghiên cứu cách Twitter triển khai máy học và thuật toán cũng bị loại bỏ.
Các lãnh đạo cấp cao, bao gồm Phó Chủ tịch Arnaud Weber, nói lời tạm biệt trên Twitter vào hôm qua. “Twitter vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá, nhưng tôi tự hào về những gì chúng ta đã làm được”, ông viết.
Nhân viên của Twitter Blue, dịch vụ thuê bao theo tháng mà Musk đang ưu tiên, cũng phải ra đi.
Những cánh cửa bị khóa
Trong email gửi nhân viên, Twitter cho biết các văn phòng sẽ tạm thời bị đóng và quyền mở cửa bị tạm dừng nhằm “đảm bảo an toàn của mỗi nhân viên cũng như hệ thống Twitter và dữ liệu khách hàng”.
Văn phòng tại London và Dublin dường như vắng vẻ vào ngày 4/11 khi không có nhân viên nào. Tại văn phòng London, bất kỳ bằng chứng nào về việc Twitter từng thuê ở đây đều bị xóa bỏ.
Một lễ tân tại trụ sở San Francisco cho biết vài người lẻn vào và làm việc trong các tầng bất chấp thông báo.
Ngày 3/11, vài nhân viên Twitter đã kiện công ty cũ với cáo buộc Twitter tiến hành sa thải quy mô lớn mà không đưa ra thông báo trước 60 ngày, vi phạm luật liên bang và California. Đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang San Francisco cấm Twitter lôi kéo các nhân viên bị sa thải ký vào tài liệu mà không thông báo cho họ về mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Du Lam (Theo Reuters)