Hôm 20/12, cổ phiếu hãng xe điện Tesla chạm mốc thấp nhất trong 52 tuần, kết phiên giao dịch ở giá 138 USD, giảm 8% so với hôm trước. CEO Elon Musk cho rằng, nguyên nhân đến từ yếu tố kinh tế vĩ mô.
Nhà đầu tư Tesla lâu năm Ross Gerberg chia sẻ quan điểm trên Twitter. Theo ông, giá cổ phiếu Tesla phản ánh tình trạng công ty khi không có CEO và đã đến lúc thay đổi. Ông phát động chiến dịch không chính thức để các cổ đông bỏ phiếu bổ nhiệm mình vào ban giám đốc Tesla.
Đáp lại, Musk chỉ ra khi lãi suất tăng, mọi người rút tiền khỏi chứng khoán và bỏ vào tài khoản tiết kiệm nhiều hơn, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất từ gần 0% lên khoảng 4,5% năm nay để đối phó với lạm phát cao kỷ lục. Điều đó đồng nghĩa tiết kiệm là lựa chọn khôn ngoan hơn cho các nhà đầu tư với tỷ suất sinh lời cao hơn, nhất là khi họ trở nên thận trọng hơn sau khi trải qua biến động xấu trên thị trường chứng khoán năm nay.
Lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến các cổ phiếu tăng trưởng như Tesla vì chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn, tác động đến dòng tiền tương lai của hãng. Musk liên tục chỉ trích FED vì hoạt động nghèo nàn của cổ phiếu Tesla năm 2022, khi mất gần 61% giá trị.
“Chúng tôi không kiểm soát FED. Đó mới là vấn đề ở đây”, ông đăng tweet hồi đầu tuần.
Cổ phiếu Tesla giảm mạnh hơn hẳn các đối thủ từ khi Musk thông báo mua lại Twitter hồi tháng 4. Từ đó tới nay, Ford giảm 26%, GM giảm 12, còn chỉ số S&P 500 giảm 14%.
Các cổ đông dường như có suy nghĩ khác hoàn toàn với Musk. Họ lo ngại CEO Tesla bị phân tâm quá nhiều. Tỷ phú giàu thứ hai thế giới gây tranh cãi ngay khi tiếp quản mạng xã hội. Ông đã bán hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để trang trải cho thương vụ 44 tỷ USD, bao gồm 3,6 tỷ USD vào đầu tháng.
Musk nói với nhân viên Twitter rằng, ông bán cổ phiếu Tesla để “cứu” công ty trong khi đuổi việc một nửa nhân sự và triển khai các sản phẩm, chính sách mới. Trong khi Musk mải mê với công việc điều hành “chim xanh”, Tesla bắt đầu giảm giá xe và tung ra chương trình khuyến mại để kích cầu tại Trung Quốc; vật lộn để nhà máy mới tại Austin (Mỹ) và Brandenburg (Đức) hoạt động hiệu quả; đối mặt với thách thức chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt tại châu Âu.
Thực tế này khiến hãng chứng khoán Mizuho và Evercore ISI giảm giá mục tiêu cổ phiếu Tesla trong ngắn hạn. Trợ lý giáo sư Joshua White tại Đại học Vanderbilt nhận xét, Musk có thể đã đánh mất niềm tin nơi cổ đông khi tuyên bố không có kế hoạch bán cổ phiếu Tesla, nhưng lại làm điều trái ngược.
(Theo CNBC)