Tại Hội nghị toàn cầu Viện Milken lần thứ 27 tổ chức ngày 6/5, Elon Musk đã dành một phần đáng kể bài nói chuyện của mình để ca ngợi lợi ích của trí tuệ nhân tạo. Có lúc, ông cho rằng một AI "tìm kiếm sự thật" có thể "thúc đẩy nền văn minh nhân loại" khi được hỏi về vai trò của công nghệ này trong cuộc sống hằng ngày của con người.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu AI có thể "tăng tốc" những nỗ lực của ông trong việc khám phá không gian hay không, ông dường như ít hào hứng hơn.
CEO SpaceX chia sẻ quan điểm: một trong những lĩnh vực mà hầu như AI không được sử dụng là thám hiểm không gian. “Vì vậy, SpaceX về cơ bản không dùng AI, Starlink không dùng AI. Tôi không phản đối việc dùng nó nhưng chưa thấy mục đích của nó”.
Musk nói đã thử nghiệm các mô hình ngôn ngữ AI tiên tiến bằng cách đặt câu hỏi cho chúng về không gian như nghịch lý Fermi, thiết kế động cơ tên lửa, điện hóa học nhưng kết quả thu về “thật khủng khiếp”.
Dù bày tỏ một số hoài nghi về dùng AI để khám phá không gian, Musk vẫn đầu tư rất nhiều vào việc phát triển công nghệ thông qua startup xAI. Musk từng dự đoán AI sẽ vượt qua con người vào cuối năm 2026.
Tại các công ty khác của ông, AI được trọng dụng hơn. Chẳng hạn, tại X (trước đây là Twitter), Musk đã tích hợp chatbot AI Grok vào nền tảng. Musk cũng cân nhắc sử dụng AI để giúp tóm tắt tin tức trên X. Và tại hãng xe điện Tesla, Musk hy vọng sẽ chế tạo một robot lao động có tri giác có tên là Optimus.
Ngoài ra, ông còn cảnh giác trước những rủi ro tiềm ẩn mà AI mang lại cho nhân loại và xã hội, bao gồm lan truyền thông tin sai lệch và tự động hóa công việc trên diện rộng. “Ông trùm” công nghệ cũng tin vào khả năng một AI siêu thông minh có thể cứu rỗi nhân loại - hoặc chấm hết nó. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh dù sao đi nữa, con người nên chấp nhận rủi ro vì “kịch bản tích cực có thể lớn hơn tiêu cực”.
(Theo Insider)