Tính đến chiều ngày 20/6, sau 10 ngày kể từ thời điểm chiếu sớm (10/6), Em và Trịnh đã cán mốc 66 tỷ đồng, theo Box Offcice Việt Nam, đơn vị thống kê doanh thu độc lập. Cộng với doanh thu của bản phim Trịnh Công Sơn bị rút khỏi rạp trước đó (2 tỷ đồng), hai bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mang về cho nhà sản xuất 68 tỷ đồng. Đây là con số đáng kể khi được công chiếu vào thời điểm khán giả đang rất cân nhắc đến rạp bỏ tiền mua vé xem phim thời kỳ hậu Covid-19 giữa lúc bão giá tăng. 

Tuy nhiên, để thu hồi vốn sản xuất 50 tỷ đồng thì nhà sản xuất cần thu về ít nhất 100 tỷ (sau khi chia một nửa doanh thu cho các hệ thống rạp chiếu). Điều này là hoàn toàn có thể khi Em và Trịnh mới chính thức công chiếu từ 17/6 và vẫn đang là bộ phim được quan tâm, gây tranh cãi trên truyền thông, mạng xã hội và đạt hiệu ứng truyền miệng tốt. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi tạo dư luận trái chiều với nhiều ý kiến khen chê đối lập. Điều này càng làm cho Em và Trịnh được quan tâm và có khả năng kéo nhiều đối tượng khán giả đến rạp.


Với Em và Trịnh, phim có đà tăng liên tục mỗi ngày, cứ ngày sau doanh thu lại cao hơn ngày trước. Thời điểm hiện tại, Em và Trịnh là một trong những từ khoá nóng nhất, liên tục lọp top social trend. Trailer của phim vào top 1 thịnh hành mục phim ảnh của YouTube trong tuần ra mắt. Ở nền tảng TikTok, hashtag #EmvaTrinh đang có hơn 262 triệu view với nhiều nội dung đa dạng của giới trẻ làm về phim, song song đó hashtag #TikTokvaTrinh cũng thu hút hơn 70,6 triệu view (tính đến chiều 20/6). 

Em và Trịnh là bộ phim tiểu sử đầu tiên của Việt Nam làm về một nhân vật có thật là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây cũng là bộ phim chọn cách phát hành hai bản phim song song gồm 1 bản rút gọn (Trịnh Công Sơn) và bản phim dài (Em và Trịnh) dù nội dung là một khiến hai bộ phim này gây tranh cãi khi ra rạp. Tuy nhiên sau 1 tuần chiếu sớm, nhà sản xuất quyết định rút Trịnh Công Sơn khỏi rạp, chỉ trình chiếu Em và Trịnh vì bộ phim được khán giả lựa chọn nhiều hơn.  

Mỹ Anh