Tại Na Uy, có một "kén thời gian" của văn học đang được dần lấp đầy bởi những bản thảo viết tay của các tác giả nổi tiếng nhất trên thế giới. Margaret Atwood là nhà văn đầu tiên gửi cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản của bà (Scribbler Moon) tới dự án khởi động từ năm 2014 này mang tên Dự án Thư viện Tương lai (Future Library Project).

Một năm sau đó, David Mitchell là tác giả tiếp theo đóng góp và tiếp đó là nhà thơ Sjón tới từ Iceland. Nếu mọi thứ đúng như kế hoạch, thì mỗi năm sẽ có một tác giả mới nộp một tác phẩm về dự án này, cho tới khi "kén" này được mở ra vào năm 2114. Rất nhiều trong số những tác giả này sẽ không bao giờ sống được tới lễ ra mắt để chứng kiến thành quả vĩ đại của họ.

Ngay bên ngoài Oslo, một khu rừng gồm 1000 cây vân sam nhỏ đang được trồng, và vào thời điểm dự án này kết thúc, khu rừng này sẽ có đủ cây để đốn hạ nhằm phục vụ cho việc in những cuốn sách trong kén thời gian dành cho những độc giả tương lai.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu những cuốn sách được in bằng giấy lấy từ khu rừng này, và cả những áng văn thơ ở bên trong chúng, có được người đời trong tương lai ghi nhận hay không?

Tốc độ phát triển chóng mặt của những tiến bộ công nghệ và sự chuyển dịch nhân khẩu đã tạo ra rất nhiều chuyển biến trong thế kỷ vừa qua. Tạp chí OZY đã đưa ra những tiên đoán về những ảnh hưởng của chúng với việc định hình lại ngôn ngữ và văn chương trong 97 năm sắp tới.

Phần 1: Biểu tượng cảm xúc - Emoji

Năm 2015 - một năm sau khi Dự án Thư viện Tương lai ra mắt - chính là thời điểm đáng nhớ của những biểu tượng cảm xúc. Từ điển Oxford lần đầu tiên trong lịch sử đã chọn một biểu tượng cảm xúc để trao danh hiệu "Từ của Năm" (đó chính là biểu tượng mặt cười ra nước mắt).

2015 cũng là năm mà lần đầu tiên người ta có một vụ bắt giữ liên quan đến emoji, và lần đầu tiên thực hiện một cuộc phỏng vấn với một chính trị gia chỉ thông qua emoji. Một anh chàng thiết kế đồ hoạ trẻ đã bắt tay vào "dịch" cuốn "Alice ở xứ sở thần tiên" sang loại ngôn ngữ hình ảnh này. Trong khi đó, cuốn Kinh thánh King James cũng đang được người ta thực hiện một công cuộc tương tự.

Kể từ đó tới nay thói quen sử dụng biểu tượng cảm xúc của mọi người ngày càng gia tăng. Theo giáo sư ngôn ngữ Vyvyan Evans, tác giả cuốn sách "Mật mã Emoji: Ngôn ngữ học đằng sau Mặt cười và Mèo hoảng sợ" (The Emoji Code: The Linguistics Behind Smiley Faces and Scaredy Cats), thì có tới 6 tỷ biểu tượng cảm xúc đang được gửi đi mỗi ngày trên khắp hành tinh thông qua khoảng 2 tỷ thiết bị điện thoại thông minh.

Evans cho biết: "Tiếng Anh là một ngôn ngữ toàn cầu. Nó là ngôn ngữ chính ở khoảng 101 quốc gia, từ Malawi tới Anh, từ Canada tới Mỹ. Song nó đã bị Emoji vượt mặt với số lượng người sử dụng lớn hơn rất nhiều."

Phải chăng vào thời điểm cuốn Scribbler Moon có thể đến được tay những độc giả của nó, thì mọi người đã chuyển từ bảng chữ cái La Mã sang thứ ngôn ngữ toàn cầu emoji (hoặc bất kỳ một biến thể nào đó của nó)? Với những người mới sử dụng biểu tượng cảm xúc thì chúng không hẳn là một ngôn ngữ - hoặc chưa - bởi vì chúng thiếu đi hai yếu tố cơ bản nhất định hình một ngôn ngữ: ngữ pháp và vốn từ vựng rộng để truyền đạt nhiều ý nghĩa khác nhau.

Emoji chỉ có khoảng 1800 chữ, kém xa so với con số 30000 hay 60000 từ mà một người bình thường cần để có thể giao tiếp. Evans nói rằng emoji đã ngày càng ăn sâu vào ngôn ngữ và đóng một phần quan trọng trong văn viết, giống như điều mà những loại hình giao tiếp khác như ngôn ngữ cơ thể hay giai điệu đã làm được trong giao tiếp mặt đối mặt.

Evan khẳng định rằng dù hầu hết mọi người đều tin rằng ý nghĩa đến từ ngôn ngữ, và cho rằng chính ngôn ngữ sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong thế giới giao tiếp của con người; song trên thực tế có tới 60 - 70% ý nghĩa của hội thoại đến từ những dấu hiệu phi ngôn ngữ, như là biểu cảm cười, khóc, hay một giọng nói đặc biệt… tất cả chúng sẽ tạo ra cảm xúc. "Chúng ta sử dụng emoji theo cách hoàn toàn tương tự" - Evan cho biết.

Bên cạnh một vài ví dụ ít ỏi, thì có lẽ hầu hết những tác giả trong tương lai sẽ không sáng tác văn chương bằng những ký hiệu tượng hình như emoji. Họ có thể thêm chúng vào làm những yếu tố "phụ gia".

Jennifer 8. Lee là một cựu nhà báo tại tờ New York Times và là người có một ghế tại hội đồng Unicode - đơn vị đã cực kỳ vất vả để ra quyết định về những ký tự nào sẽ được thêm vào từ điển emoji. Lee đang khám phá những cách thức khác nhau để đưa văn chương gần hơn tới đại chúng với sự trợ giúp của công nghệ, ví dụ như một ứng dụng gửi các phần của một tiểu thuyết dài kỳ trực tiếp vào điện thoại thông minh. Cô cũng tò mò về việc liệu rằng emoji có thể tích hợp vào văn chương trong tương lai hay không.

Lee cho biết, cô rất mong sẽ có một lễ hội dành cho các sáng tác sử dụng emoji để mọi người có thể thấy chúng được dùng trong văn viết như thế nào. Tuy nhiên Lee cũng cho rằng các nhà xuất bản hiện tại đang tránh sử dụng emoji vì lo lắng tới vấn đề liên quan đến tài sản quốc tế, và điều này sẽ không thay đổi trong ít nhất là 10 tới 15 năm nữa.

Naomi Baron, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học American và tác giả cuốn "Ngôn ngữ trên màn hình: Số phận của việc đọc trong kỷ nguyên số" (Words Onscreen: The Fate of Reading in a Digital World), nghĩ rằng emoji rồi cũng sẽ cùng chung số phận với Esperanto - một ngôn ngữ vốn được kỳ vọng là quốc tế ngữ nhưng lại chìm vào quên lãng. Naomi cho rằng emoji cũng giống như một kiểu mốt nhất thời: chúng thú vị, nhưng đến rồi đi.

Baron cũng tin rằng, những chữ viết chúng ta đang sử dụng trong văn bản sẽ không thay đổi trước sự phát triển của những biểu tượng cảm xúc. Thứ thay đổi rất có thể sẽ là kiểu cách của chữ viết, khiến cho những thế hệ tương lai không thể đọc nổi những cuốn sách nữa.

"Hầu hết mọi người ngày nay đều không thể đọc được chữ viết theo phong cách Gothic. Thậm chí một vài học trò của tôi còn không thể đọc được chữ viết theo kiểu chữ thảo (kiểu viết thư pháp). Cách viết chữ hiện nay có thể sẽ trở nên rất khó đọc trong vòng 100 năm tới, nếu hệ thống biểu hiện chữ viết thay đổi". Trong khi đó, Baron cho rằng từ vựng và ngữ pháp được viết trong những cuốn sách ngày nay sẽ trụ vững với thời gian.

"Tôi có một linh cảm rằng khả năng ngôn ngữ hiện nay được nhận diện trong 100 năm tới cũng giống như việc ngày nay chúng ta đang đọc ngôn ngữ được viết từ những năm 1915 vậy. Chúng ta có thể hiểu phần lớn chúng. Đôi khi chúng ta có thể gãi đầu gãi tai một chút và nói "Tôi không chắc mình hiểu đúng nghĩa của chỗ này" - song chúng ta sẽ hiểu được phần lớn".

Một khả năng nữa có thể xảy ra là bản thân những cuốn sách sẽ không còn phổ biến đối với những thế hệ tương lai. Evans cũng cho rằng trong tương lai sách sẽ được chia thành nhiều phần. "Penguin Random House là nhà xuất bản đầu tiên sản xuất những cuốn sách số cho phép chạy định dạng video. Điều chắc chắn là bạn sẽ có một trải nghiệm thị giác thú vị hơn khi thưởng thức những tác phẩm văn học".

Tuy nhiên Lee thì lạc quan rằng những cuốn sách giấy hiện tại sẽ không tuyệt chủng: "Nếu bạn miêu tả những cuốn sách ngày nay theo kiểu một thuật ngữ miêu tả một phát minh từ Thung lũng Silicon, thì rất nhiều người sẽ cảm thấy ấn tượng với nó: bạn có thể in chúng thành rất nhiều bản, và ai cũng có thể sở hữu một bản cứng của riêng mình - chúng là vĩnh cửu và không bao giờ biến mất. Và nếu bạn có ý định phát minh ra cuốn sách, thì mọi người sẽ phải ồ lên thán phục".

Giám đốc Dự án Thư viện Tương lai Anne Beate Hovind cho biết những tác giả đã nộp bản thảo của mình cho dự án chia sẻ quan điểm trên và có niềm tin vào sự tồn tại lâu dài của sách giấy. Một người trong số đó là Atwood.

"Chúng ta cần những cuốn sách có kết cấu, sờ nắm được với một chất liệu cụ thể. Dự án này buộc tôi phải suy nghĩ về một tương lai lâu dài vượt ra khỏi ranh giới cuộc đời mình. Đối với tôi nó là vấn đề của niềm tin: niềm tin của những thế hệ tương lai đặt vào tôi khi tôi làm điều này cho họ, và cũng là niềm tin của tôi đối với họ với mong muốn họ sẽ gìn giữ những gì mình được kế thừa".

Phần 2: Robot đọc sách

Cứ mỗi khi loài người bước vào một kỷ nguyên công nghệ mới, thì những tiến bộ này đều tác động một cách kỳ lạ tới mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta, từ niềm tin, nỗi sợ hãi cho tới ngôn ngữ. Rất nhiều từ ngữ giờ đây đã trở nên lỗi mốt, hoặc thay đổi nghĩa hoàn toàn (cho tới mãi gần đây thì những từ như cookies vẫn còn được dùng để chỉ một loại bánh thay vì mang ý nghĩa là bản ghi thông tin trên trình duyệt).

Internet đã kết nối con người vượt qua rào cản biên giới theo những cách không thể tưởng tượng nổi. Trí tuệ nhân tạo đang mang chúng ta lại gần nhau hơn bằng việc xoá bỏ rào cản lớn nhất trong giao tiếp: ngôn ngữ.

Naomi Baron cho biết hiện nay những phần mềm dịch thuật đã trở nên tốt một cách đáng kinh ngạc. "Nhờ có dữ liệu lớn mà giờ đây chúng ta có thể hoàn thành rất nhiều công việc khó khăn một cách nhanh chóng, điều mà trước đây là không thể. Trong khoảng 5 năm tới, khả năng dịch của phần mềm có thể đạt tới mức ổn".

Ví dụ, Google Translate đã đạt được những bước tiến vượt bậc vào năm ngoái khi Google chuyển công cụ này sang một hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng mạng neuron. Giáo sư Kyunghyun Cho từ Đại học New York cho rằng dù hiện tại máy tính chỉ có khả năng dịch được nghĩa của từ, trong tương lai gần chúng sẽ có khả năng hiểu được cả ngữ cảnh. Thậm chí chúng ta còn có thể mở rộng triển vọng của việc dịch thuật trong tương lai bằng việc xem xét danh tính và đặc điểm của một tác giả, thậm chí là cân nhắc tới những phản hồi, phê bình và độc giả vào năm mà tác phẩm này được viết ra.

Nhìn xa hơn nữa vào tương lai, có thể thấy rằng trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Viễn cảnh khi trí tuệ nhân tạo quá phát triển đã gây lo ngại cho rất nhiều nhà tư tưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ. Những ngôi sao sáng trong giới như Stephen Hawking hay Elon Musk đều đã bày tỏ trước công chúng mối e ngại của họ đối với trí tuệ nhân tạo và cách mà nó có thể đe doạ nhân loại, và dĩ nhiên có rất nhiều người cũng đồng tình với suy nghĩ này. Giáo sư Cho nghĩ rằng rất có khả năng máy tính sẽ bắt đầu có trí thông minh, và một ngày nào đó sẽ có khả năng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của chính mình.

"Có lẽ những hệ thống mà chúng ta đang xây dựng đã bắt đầu am hiểu xã hội và con người, nhưng ta không biết rằng chúng đã hiểu. Có lẽ trong 100 năm tới chúng ta sẽ nhìn lại và nói: Ồ, vào năm 2017 một số hệ thống còn sơ khai, nhưng chúng đã bắt đầu hiểu được mọi thứ".

Máy tính sẽ không chỉ hiểu chúng ta, mà còn rất có khả năng sẽ trông giống như chúng ta. Ở Nhật Bản, các kỹ sư đã chế tạo ra những robot lễ tân có thể hiểu và đối đáp lại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

"Vào một ngày không xa trong tương lai, đôi khi chúng ta sẽ nhìn vào một con robot và tự hỏi "Đây có phải là người không?" giống như việc ngày nay chúng ta đang nhìn vào một cái cây và tự hỏi nó là thật hay giả" - giáo sư Cho nói.

Trong tương lai, liệu những robot "thông minh" và giống con người này có thể có quyền trở thành người tiêu dùng hay không? Và liệu chúng có khả năng sẽ là một trong những nhóm độc giả la ó đang chờ đợi được cầm trên tay cuốn Scribbler Moon của tác giả Atwood khi nó ra mắt năm 2114?

Baron thừa nhận rằng viễn cảnh này là có thể xảy ra, nhưng trước tiên bạn phải lập trình được một chiếc máy tính muốn đọc sách, và có cảm xúc đối với văn chương.

"Chẳng có lý gì cản trở con người cài đặt vào máy tính những phản hồi mang tính cảm xúc. Bạn có thể lập trình để khiến cho một chiếc máy tính biết khóc. Giờ đây thì bạn đang phải đi tới một lớp học văn và hỏi mọi người rằng điều gì khiến họ cảm động về một tác phẩm. Tuy nhiên trong tương lai thay vì thế thì bạn có thể cài các thiết bị kiểm soát vào mọi người và theo dõi nhịp tim của họ tăng lên, rồi lập trình tất cả những thứ đó cho một chiếc máy tính".

Tuy nhiên giáo sư Cho cũng nhận thấy ngôn ngữ của máy tính một ngày nào đó sẽ chấm dứt sự cần thiết của việc lập trình được thực hiện bởi con người.

"Đầu tiên chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc thiết kế ra một giao thức rất đơn giản, nhưng dần dần chúng ta sẽ để chúng tiến hoá thành phương thức giao tiếp riêng, và ai mà biết được chúng có thể làm được những gì?" - ông Cho nói. Ông tin rằng khi máy tính đã có được trí thông minh, nhiều khả năng chúng sẽ có động lực để đọc văn chương của con người.

"Nếu chúng ta giả định rằng trí thông minh đòi hỏi sự tò mò, thì điều đó có nghĩa là máy móc trong tương lai sẽ phải có trí tò mò và tìm cách học hỏi về con người. Nếu có gì đó thú vị ở trong văn chương của chúng ta, thì chúng sẽ đọc nó. Nhưng tôi không nghĩ rằng hầu hết những thứ chúng ta viết ra sẽ trở nên thú vị đối với máy tính".

Dẫu robot có đọc những tác phẩm văn học của con người hay không, thì trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ giúp chúng ta đọc tác phẩm của đồng loại mình tốt hơn. Tương tự, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ cho chúng ta công cụ để đọc rất nhiều những ngôn ngữ đã chết (theo dự án Ngôn ngữ Bị tuyệt chủng - Endangered Language Project, thì 40% những ngôn ngữ hiện nay trên thế giới đang có nguy cơ bị biến mất).

Anne Beate Hovind, giám đốc Dự án Thư viện Tương lai thừa nhận "Chúng ta sẽ có một bộ sưu tập những cuốn sách viết bằng một số ngôn ngữ rất có khả năng sẽ biến mất trong vòng 100 năm tới".

Thế còn những cuốn sách được viết bởi robot và trí tuệ nhân tạo thì sao? Cho tới nay, những tác phẩm văn chương tạo ra bởi máy tính vẫn chưa giành được nhiều thiện cảm của các mọt sách. Hàng năm tại Tháng Tiểu thuyết Quốc gia, các lập trình viên vẫn ngồi lại cùng nhau để sáng tạo ra những thuật toán có khả năng tạo thành các tác phẩm văn học có độ dài lên tới 50 ngàn từ.

Những kết quả tạo ra vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều. Twide and Twejudice, tác phẩm gây sự chú ý rất lớn vào năm 2014 đã được tạo ra bằng cách thay thế những từ trong các cuộc hội thoại từ cuốn "Kiêu hãnh và định kiến" (Pride and Prejudice) bằng một từ trong ngữ cảnh tương tự trên Twitter.

Một sản phẩm khác thì được tạo ra bằng việc kết hợp những đoạn trích từ một kho dữ liệu online về giấc mơ của những thiếu nữ tuổi teen. Tất cả những "tác phẩm" này có lẽ phải còn rất lâu nữa mới gây kinh ngạc cho hội đồng thẩm định giải thưởng văn chương Pulitzer danh giá.

 

Baron nói mình không nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ có những tác phẩm kinh điển như Chiến tranh và hoà bình hay Moby-Dick được viết ra bởi một chiếc máy tính. "Văn học chứa đựng những yếu tố con người mà chúng ta không bao giờ có thể cài vào máy móc được. Những trải nghiệm của con người quá đa dạng và nhiều sắc thái".

Nếu robot đạt được tới khả năng có thể viết ra những tác phẩm với âm hưởng và dòng chảy cảm xúc hệt như con người, Hovind nói rằng bà sẽ không từ bỏ khả năng sẽ chấp nhận cuốn sách viết bởi một robot trong Dự án Thư viện Tương lai. "Nếu có một tác giả là robot ư? Tôi sẽ không loại trừ việc đó".

Phần 3: Di cư & Ngôn ngữ mới

Cho tới nay, một trong những ảnh hưởng lớn nhất tác động lên sự phát triển của ngôn ngữ không phải là công nghệ, mà là việc di cư. Sự di cư là lý do khiến cho một người Mỹ ngày nay có thể gọi một cốc "latte" trong quán cho dù chưa bao giờ gặp ai đó người Ý.

Brian Joseph, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học bang Ohio cho rằng lịch sử thế giới và ngôn ngữ gắn liền với lịch sử các cuộc di cư của loài người.

Đã có rất nhiều câu chuyện về những cuộc di cư lớn của con người trong vòng 2 thế kỷ vừa qua. Giữa năm 1846 và 1940, 55 triệu người châu Âu đã khăn gói lên đường sang nước Mỹ và khu vực nam Mỹ theo tiếng gọi của vàng hoặc để thoát khỏi sự đàn áp chính trị. Cuộc chia lìa của Ấn Độ năm 1947 đã khiến cho 15 triệu người rời bỏ quê nhà. Cùng với những làn sóng thay đổi ấy, những người di cư không chỉ mang của cải mà còn đem cùng với họ ngôn ngữ và những phong tục tập quán tới vùng đất mới.

"Khi mọi người tương tác với nhau, thì những khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ cũng có sự giao thoa." - Joseph cho biết.

Di cư cũng là một hiện tượng phổ biến ngày nay. Theo Cao Uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn, trên thế giới hiện có khoảng 65,3 triệu người di trú. Trong vòng 100 năm tiếp theo, tỷ lệ nhập cư sẽ đạt mốc cao nhất trong lịch sử. Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới làn sóng này. Các nhà khoa học dự báo rằng trong vòng 100 năm tới, những thay đổi về môi trường có thể gây ra làn sóng di cư lớn chưa từng có trong lịch sử, và điều đó cũng có nghĩa là ngôn ngữ cũng có thể sẽ có thay đổi vô cùng lớn.

Đầu năm nay, Đoàn uỷ nhiệm quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ đã đưa ra một báo cáo đánh giá tác động của tình trạng nước biển dâng với viễn cảnh cực đoan nhất là tới năm 2100, mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 2,4 mét. Người ta nói rằng nếu nước sông khu vực đồng bằng Ganges-Brahmaputra chỉ dâng lên khoảng 30 cm, thì 20% diện tích của Bangladesh sẽ bị nhấn chìm. Với quốc gia có dân số 164,5 triệu người này, tỷ lệ 20% đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều người Bangladesh phải di cư.

Climate Central, một tổ chức khí hậu phi lợi nhuận chỉ ra một viễn cảnh có nhiều khả năng thành hiện thực hơn. Nếu Trái Đất tăng thêm 2 độ C vào năm 2100 thì băng sẽ tan chảy đủ nhiều để khiến cho 11,6 triệu người phải di cư, chỉ tính riêng ở Thượng Hải.

Climate Central cũng dự tính rằng ở Việt Nam hiện có 29% dân số đang sống ở những vùng đất có nhiều khả năng bị ngập khi nhiệt độ tăng lên.

Tác động của nó đối với ngôn ngữ đương nhiên cũng tăng lên. Khi những vùng đất bị xoá sổ trên bản đồ, thì ngôn ngữ và phong tục tập quán của những người dân cư trú tại đây cũng vậy. Ngày nay, có khoảng từ 6000 - 7000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên toàn cầu. Người ta ước tính rằng trong một thế kỷ tới, con số này sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 600 - 700 ngôn ngữ, do ảnh hưởng của toàn cầu hoá, công nghệ và biến đổi khí hậu. Hơn nữa, khi con người di cư thì khả năng họ giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cũng giảm xuống.

Khi những người nhập cư tới châu Mỹ, tác động của tiếng Anh đối với các ngôn ngữ bản địa diễn ra tương đối nhanh chóng, và thường chỉ sau vài thế hệ định cư, một gia đình bắt đầu không còn sử dụng tiếng mẹ đẻ nữa.

Anne Beate Hovind, giám đốc của Dự án Thư viện Tương lai, cho rằng trong vòng 100 năm tới, một số ngôn ngữ được dùng để viết các cuốn sách trong "kén thời gian" sẽ không còn tồn tại nữa. Tác phẩm của nhà thơ Iceland Sjón có thể là một ví dụ - đất nước này chỉ có khoảng 350 nghìn dân.

Sjón nghĩ rằng tiếng Iceland sẽ biến mất. Giờ đây thì cũng chỉ có rất ít người còn sử dụng nó. Ngôn ngữ dĩ nhiên có một ảnh hưởng to lớn tới bối cảnh của văn học, và khi tiếng Iceland biến mất thì đồng nghĩa với việc cuốn sách của Sjón cũng sẽ trở nên lạ lẫm với thế giới tương lai.

Khi mọi người rời khỏi quê hương, nhiều khả năng họ sẽ thay đổi ngôn ngữ sử dụng tại nơi ở mới. Đương nhiên nếu phần lớn diện tích châu Á bị nhấn chìm trong nước, sẽ có những người không có phương tiện di chuyển. Mariam Chazalnoel Traore, một chuyên gia về di dân và biến đổi khi hậu tại Uỷ ban Di trú Liên Hợp quốc cho rằng nếu không có biện pháp nào được đưa ra để làm chậm lại quá trình thay đổi khí hậu, thì châu Á sẽ phải đối mặt với những thảm hoạ thiên nhiên khủng khiếp. Bà cũng cho rằng mọi người khi đó sẽ di cư tới một nơi nào đó khác bên trong lục địa của mình.

Mariam cũng cho biết có một rủi ro là mọi người sẽ di cư tới các quốc gia giàu có hơn. Trong trường hợp xấu nhất, khi phần lớn châu Á bị nhấn chìm dưới nước và các cuộc chiến tranh giành tài nguyên nổ ra, liệu những người có điều kiện tài chính có muốn thử vận may của mình ở phương Tây không? Và nếu họ làm điều đó, tiếng Anh liệu có còn giữ thế độc tôn ở nước Mỹ nếu làn sóng người nhập cư này đủ lớn?

Hãy nhìn vào những tiền lệ trong lịch sử. Khi những người từ các quốc gia phía Tây châu Âu đặt chân lên châu Mỹ, những ngôn ngữ bản địa ở nơi này nhanh chóng "đầu hàng" trước tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Anh.

Một giả định có thể xảy ra trong tương lai là tiếng Anh Mỹ và tiếng Anh Canada vào năm 2114 sẽ bao gồm cả những yếu tố của Tiếng Việt hay tiếng Quan Thoại, hoặc du nhập ngữ pháp từ các lục địa.

Chúng ta không thể dự đoán chính xác tương lai của năm 2114 vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố phức tạp, nhưng chắc chắn viễn cảnh khi đó sẽ rất khác so với thế giới bây giờ. Nếu ai đó có ý định chọn đọc quyển Scribbler Moon, thì nhiều khả năng họ sẽ đọc nó như thể đang đọc một thứ tiếng Anh Canada cổ xưa.

Theo Kênh14