Nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu (ETNO), cho thấy nếu EU muốn triển khai mạng 5G tốc độ cực cao ở tất cả 27 quốc gia thành viên vào năm 2025, cần đầu tư 300 tỷ euro (khoảng 355 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng.

{keywords}

Liên minh Châu Âu cần tới 350 tỷ USD để hiện thực hóa viễn cảnh 5G trong khu vực. (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, nghiên cứu được mang tên “Kết nối và xa hơn: Số hóa toàn dân” ước tính 5G có thể tạo ra mức tăng GDP hàng năm là 113 tỷ euro và 2,4 triệu việc làm mới trong 4 năm tới, đóng góp vào mục tiêu của Liên minh Châu Âu nhằm tái thống nhất nền kinh tế. Đây cũng là thời điểm EU đang đặt hy vọng vào công nghệ 5G để thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị kết nối Internet.

Do chi phí quá lớn, các nhà khai thác viễn thông EU ngần ngại đầu tư vào mạng 5G, mặc dù công nghệ này có thể hỗ trợ sự phát triển của các nhà máy thông minh và xe tự hành. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng quy mô thông qua sáp nhập của các nhà khai thác để đảm nhận những dự án tốn kém này cũng phải tuân theo nhiều quy định nghiêm ngặt về chống độc quyền của EU.

“Châu Âu sẽ cần 150 tỷ euro (175 tỷ USD) để hiện thực hóa toàn bộ viễn cảnh 5G, và cần thêm 150 tỷ euro để hoàn thành việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cố định lên tốc độ gigabit”, Báo cáo nghiên cứu nêu rõ. Mặc dù báo cáo không trực tiếp nói rằng nguồn vốn chỉ đến từ các nhà khai thác, nhưng chắc chắn con số này sẽ khiến người dùng phải kinh ngạc, đặc biệt là vào thời điểm ngành công nghiệp đang vật lộn với chi phí cao để nâng cấp lên 5G và sự thiếu hụt đáng kể RoI (tỷ suất hoàn vốn) hiện tại.

Khi các chính phủ chuyển trọng tâm sang việc chống lại dịch bệnh, sự chậm trễ trong những cuộc đấu giá phổ tần 5G cũng khiến ngành công nghiệp thất vọng. Phổ 5G là sóng vô tuyến cần thiết để các nhà khai thác bắt đầu cung cấp 5G thương mại. Các nhà nghiên cứu đưa ra một số biện pháp mà chính phủ và cơ quan quản lý có thể thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của ngành viễn thông. Chúng bao gồm những mô hình sở hữu mới liên quan đến việc chia sẻ cơ sở hạ tầng một cách tự nguyện, có thể giúp mạng 5G triển khai nhanh hơn, giảm tác động môi trường tổng thể và tăng cường chuyển giao công nghệ đã được cấp bằng sáng chế giữa các đối tác.

Ngoài ra, ETNO tuyên bố các mục tiêu chính trị của Châu Âu “giờ đây phải xuyên suốt chính sách và hành động quản lý ở cả Châu Âu ở cấp quốc gia”, với một loạt hành động cấp bách được yêu cầu bao gồm tăng cường thu hút đầu tư và ưu tiên dẫn đầu trong các dịch vụ kỹ thuật số. “Các nhà lãnh đạo châu Âu cần hỗ trợ lĩnh vực viễn thông và giúp chúng tôi cung cấp một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ hơn cho mọi công dân”, Tổng giám đốc ETNO Lise Fuhr kêu gọi.

Đồng thời, việc nới lỏng quy định, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hợp tác và đầu tư cùng nhau, hoặc tách việc xây dựng cơ sở hạ tầng khỏi các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình triển khai 5G. Nghiên cứu cũng kêu gọi cho phép các nhà khai thác kiếm tiền từ lưu lượng dữ liệu trên mạng của họ để giúp bắt kịp Google, Facebook, Microsoft và những gã khổng lồ công nghệ khác.

Điều này dẫn đến sự đổi mới trong các lĩnh vực bao gồm đám mây; dịch vụ dựa trên dữ liệu; mạng truy cập vô tuyến mở (RAN), với sự hợp tác giữa ngành công nghệ và khu vực công nghiệp của Châu Âu rất quan trọng cho sự phát triển trong tương lai.

Phong Vũ

Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trên diện rộng trong năm 2021

Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trên diện rộng trong năm 2021

Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.