“Điều bộ binh tới Ukraine là tham gia vào cuộc xung đột, gây hấn với Nga, và không ai muốn điều đó, kể cả EU hay NATO. Chúng tôi hiện không có chiến tranh với Nga. Chúng tôi chỉ ủng hộ quốc gia đang xung đột với Nga”, Phó Đô đốc Herve Blejean, Tổng giám đốc Ban tham mưu quân sự Liên minh châu Âu (EU) nói với kênh truyền hình LCI của Pháp.
Theo ông Blejean, cuộc phản công đang diễn ra ở Ukraine sẽ “chưa phải là dấu chấm hết cho xung đột, bất kể kết quả ra sao”.
Tuyên bố của Đô đốc người Pháp được đưa ra sau khi cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng các thành viên NATO như Ba Lan và các nước vùng Baltic có thể đưa ra quyết định triển khai binh lính tới Ukraine.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định không có quân đội nước ngoài đang chiến đấu ở Ukraine.
Nga nhiều lần khẳng định việc cung cấp vũ khí hạng nặng, và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine đã biến các nước NATO trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Lý do khiến Belarus có thể tham chiến ở Ukraine
Hôm 14/6, Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố Belarus sẵn sàng tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, nếu nước này trở thành mục tiêu xâm lược. Ông khẳng định, Belarus có đủ sức mạnh để đáp trả bất kỳ sự can thiệp nghiêm trọng nào.
Phát biểu với kênh truyền hình Russia 1, Tổng thống Lukashenko cho hay Belarus đã yên bình và từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử. Song Belarus sẽ không ngần ngại đáp trả, và “tham gia mạnh mẽ vào cuộc xung đột nếu phát hiện có hành vi gây hấn”.
“Chúng tôi có đủ sức mạnh để đáp trả”, ông Lukashenko nhấn mạnh sẽ không để 10 triệu người Belarus và 3 triệu người Nga đang sống ở Belarus bị tấn công.
“Đó là 13 triệu người. Tôi chịu trách nhiệm với họ”, ông Lukashenko nói.
Khi được hỏi về ý nghĩa của từ “xâm lược”, ông Lukashenko nói "lằn ranh đỏ" chính là một cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Belarus. Ông tin cuộc tấn công như này có khả năng đến từ Ba Lan, Ukraine, hoặc bất kỳ quốc gia nào ở vùng Baltic.
Theo ông, những vụ tấn công do phía Ukraine thực hiện nhằm vào sân bay Machulishchy của Belarus và vùng biên giới Belgorod của Nga trong năm nay không bị xem là hành vi xâm lược, mà là "những hành động khiêu khích" cần bị xử lý.
Nhà lãnh đạo Belarus cũng khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ đề nghị Belarus cùng tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
>>> Đọc tin thời sự thế giới trên báo VietNamNet