Trước đó, các thành viên EU đã nhất trí chỉ sử dụng công nghệ quét khuôn mặt ở nơi công cộng trong một số tình huống thực thi pháp luật nhất định. Đây được coi là “giới hạn đỏ” cho các quốc gia khi đàm phán với Nghị viện và Uỷ ban Châu Âu.
Một số thành viên trung hữu đề xuất trường hợp ngoại lệ có thể sử dụng công nghệ theo dõi sinh trắc học phục vụ công tác tìm kiếm trẻ em mất tích hoặc ngăn chặn tấn công khủng bố, song cũng không được thông qua tại phiên bỏ phiếu toàn thể.
Các nhà lập pháp đã đồng thuận trong việc áp dụng biện pháp bổ sung đối với những nền tảng AI sinh tạo như GPT-4. Theo đó, các công ty như OpenAI và Google sẽ phải tiến hành đánh giá rủi ro và công bố những tài liệu có bản quyền nào đã được sử dụng để huấn luyện mô hình AI.
Cách tiếp cận xây dựng quy định của EU dựa trên đánh giá rủi ro. Họ tập trung vào điều chỉnh việc sử dụng AI thay vì bản thân công nghệ này, đồng thời cấm hoàn toàn một số ứng dụng như chấm điểm xã hội và đặt ra các tiêu chuẩn đối với việc sử dụng công nghệ trong những tình huống “rủi ro cao”.
Toàn bộ nội dung dự thảo Đạo luật AI đã được thông qua trong ngày 14/6, mở đường cho cuộc thảo luận “ba bên” giữa nghị viện EU, các quốc gia thành viên và Uỷ ban châu Âu diễn ra sau đó.
Uỷ ban mong muốn đạt được thoả thuận vào cuối năm nay để đưa Đạo luật AI có hiệu lực đối với các công ty ngay trong năm 2026. Trong khi đó, một số quan chức đang thúc đẩy “bộ quy tắc ứng xử” dựa trên tinh thần tự nguyện của các công ty, áp dụng đối với các quốc gia G-7 cùng Ấn Độ và Indonesia.
Mức độ chặt chẽ trong quản lý AI sinh tạo của EU có thể tác động lớn đến lĩnh vực được ước tính trị giá hơn 1,3 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới, do việc vi phạm quy định của khối sẽ dẫn đến án phạt lên tới 6% tổng doanh thu hàng năm.
(Theo Bloomberg)