Những chuyển biến tích cực tại thị trường EU

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua và đã chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020.

Để triển khai đồng bộ EVFTA trên cả nước và trong tất cả các lĩnh vực có liên quan, ngày 06/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo đó, EVFTA tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản.

Hiện nước ta có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu là vô cùng lớn.

Sáng 11/9 tại lễ xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA diễn ra tại Ninh Thuận, đại điện Bộ NNN-PTNT đánh giá, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…

{keywords}
Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng tới 20%

Xuất khẩu tôm sang EU sẽ tiếp tục tăng

Theo Bộ NN-PTNT, EVFTA được thực thi, doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi, đây là thị trường quan trọng với thủy sản Việt Nam và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Riêng về ngành hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, hiệp định EVFTA có hiệu lực mang đến hy vọng cho mặt hàng này sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Thực tế, tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm sang EU tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số mặt hàng tôm xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế suất 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.

Chuyên gia trong ngành dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Song, nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu từ EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp và đang có làn sóng bùng phát lần thứ 2 ở các quốc gia trên thế giới. Tình hình này tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý III/2020.

Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 có thể đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.

Song, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc,... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.

Hải Băng