Điện than đang đắt lên
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giá mua điện bình quân các loại hình nguồn trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đồng/kWh. Đây là thời điểm giá bán điện vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, giá mua điện của EVN gần ngang bằng với giá bán điện của tập đoàn này khi chưa được điều chỉnh tăng.
Nếu cộng thêm các chi phí khác như phân phối, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, điều độ... thì giá điện mua vào sẽ cao hơn giá bán ra.
Biểu đồ dưới đây cho thấy nhiệt điện than có giá lên tới gần 2.000 đồng/kWh. Nguyên nhân là giá than vẫn duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, EVN còn mua gián tiếp trên thị trường điện. Mức giá cụ thể như biểu đồ dưới đây cho thấy giá điện than cũng lên tới hơn 2.100 đồng/kWh.
Nếu tính thêm cả điện gió và điện mặt trời, mức giá mua điện chi tiết như dưới đây:
Kể từ 4/5, giá điện đã được quyết định điều chỉnh tăng lên 1.920,3732 đồng/kWh. Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, cho hay: Mức tăng giá này giúp doanh thu 8 tháng còn lại của EVN tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất khách hàng đấu nối cấp điện áp 110kV trở lên (thường là các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp - PV) phải trực tiếp mua điện trên thị trường điện. Nếu cơ chế này được chấp thuận, EVN sẽ không còn là người mua duy nhất.
Các khách hàng lớn này sẽ không cần mua lại điện từ EVN như hiện nay. Họ có thể mua điện với nhiều mức giá khác nhau trong ngày, ví dụ buổi tối giá rẻ có thể mua nhiều, còn buổi trưa giá cao có thể mua ít đi.
Vẫn lo thiếu điện
Trong báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương, tập đoàn này đã cảnh báo tình trạng nguy cấp về cung ứng điện.
Đối với các ngày tháng 4, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiện nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện đã tăng cao. Dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch đặt ra cuối 2022.
Vừa qua để đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4, trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498 MW chạy dầu với sản lượng là 14.659 triệu kWh (ngày 21/4).
Trong khi đó, EVN lưu ý diễn biến thủy văn không thuận lợi. Các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm bằng khoảng 70-90% so với trung bình nhiều năm, một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém như Đại Ninh, Trị An, Đăk R’Tih, Sông Côn 2...
Tính đến ngày 24/4, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống mực nước đã về thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Đáng lưu ý, có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 3.000 MW); 18/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%...
Năm 2022, thủy điện với lượng nước tốt, giá phát điện rẻ đã góp phần giảm gánh nặng tài chính cho EVN trong bối cảnh giá nhiệt điện than đắt đỏ. Nếu mực nước ở các hồ thủy điện thời gian tới không cải thiện, tình hình cung ứng điện sẽ rất căng thẳng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối 2023, làm nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng nước về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.
EVN cũng lường đến trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra, ảnh hưởng khả năng cung ứng điện. Đó là công suất đỉnh miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu...
"Khi đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600-4.900 MW", EVN cảnh báo và cho hay phải tính đến giải pháp tiết kiệm điện, thậm chí cắt điện trong một số tình huống cực đoan.