Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo EPTC khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để thống nhất một số nguyên tắc, nhằm đưa ra mức giá tạm thời cho một số chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời (NLTT) chuyển tiếp.
Đối với các dự án NLTT chuyển tiếp có kết quả rà soát giá điện lớn hơn 50% giá trần của khung giá phát điện quy định tại Quyết định số 21 (giá trần của điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh, điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh), nhưng chủ đầu tư đồng ý được áp dụng mức giá tạm thời tối đa bằng 50% giá trần trên, EVN yêu cầu, EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất áp dụng mức giá tạm thời trên cho dự án, cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức.
EVN lưu ý, trong trường hợp này sẽ không hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.
"EPTC rà soát và ký biên bản với chủ đầu tư các dự án NLTT chuyển tiếp một cách chi tiết các thủ tục pháp lý còn thiếu so với yêu cầu của Thông tư số 15. Đồng thời dự kiến thời gian các dự án hoàn thiện các thủ tục trên và bổ sung điều khoản về hoàn thiện các thủ tục pháp lý, điều kiện để hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện có hiệu lực", EVN yêu cầu.
Song song đó, EPTC cũng phải khẩn trương đàm phán giá điện chính thức của các dự án NLTT chuyển tiếp theo các chỉ đạo của Bộ Công Thương và của Tập đoàn.
Các nhiệm vụ trên phải được báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 5/5/2023, để EVN báo cáo Hội đồng thành viên Tập đoàn và Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo.
Hiện cả nước có 84 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 4.676MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.
Trong số này, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời), có tổng công suất gần 2.091MW, đã hoàn thành nhưng chưa được huy động phát điện, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và lãng phí tài nguyên.
Chỉ tính riêng 34 dự án chuyển tiếp này ước tính tổng vốn đã đầu tư lên đến gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng.