Theo PVN, tổng doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 420.100 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch 6 tháng.
Nộp ngân sách Nhà nước (không bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) ước đạt hơn 66.000 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 6 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với kế hoạch 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, PVN cho biết, một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là EVN đang nợ trong toàn PVN lên đến gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ đến hạn thanh toán trên 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của PVN.
Bên cạnh đó, với việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của PVN.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của EVN đã được kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20.700 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14.700 tỷ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463.000 tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456.000 tỷ đồng.
Các số liệu được kiểm toán cũng cho thấy lý do lỗ của EVN là giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.